Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vốn đầu tư cao tốc Bắc – Nam có thể thấp hơn dự toán 16.330 tỉ đồng

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Kiểm toán Nhà nước cho rằng tổng vốn đầu tư cho các dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 chỉ ở mức 130.605 tỉ đồng, thấp hơn 16.330 tỉ đồng so với tờ trình của Chính phủ.

Tờ trình của Chính phủ về dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 cho biết tổng mức đầu tư sơ bộ của 12 dự án thành phần đầu tư theo quy mô phân kỳ (4 làn xe) với 729 km là khoảng 146.990 tỉ đồng, gồm: 95.837 tỉ đồng chi phí xây dựng và thiết bị; 19.097 tỉ đồng chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư; 12.015 tỉ đồng chi phí quản lý dự án, tư vấn, khác; 20.041 tỉ đồng dự phòng.

Như vậy, mức đầu tư bình quân với mỗi km đường thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông là 175,4 tỉ đồng, không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.

Dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông đoạn Nha Trang – Cam Lâm có tổng chiều dài tuyến 49,11 km, đi qua địa bàn huyện Diên Khánh, huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh. Ảnh minh hoạ: Lê Tiên.

Góp ý với Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết số liệu sơ bộ về tổng mức đầu tư chưa có thông tin thuyết minh việc đã tính toán, rà soát kỹ về sơ bộ tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần theo Kết luận số 01 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, số liệu sơ bộ tổng mức đầu tư chưa có thông tin thuyết minh làm rõ một số yếu tố làm ảnh hưởng đến số liệu sơ bộ tổng mức đầu tư đã được cơ quan kiểm toán chỉ ra.

Về cơ cấu chi phí, Kiểm toán Nhà nước cho biết chi phí quản lý, tư vấn, khác trong sơ bộ tổng mức đầu tư bằng 12,5% của chi phí xây lắp cộng (+) thiết bị. Còn dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ (giai đoạn 1) – một dự án đầu tư công với cùng quy mô 4 làn xe – chỉ có tỷ lệ chi phí quản lý, tư vấn, khác bằng 7% của chi phí xây lắp cộng (+) thiết bị, thấp hơn 2.476,68 tỉ đồng.

Về chi phí xây dựng, cơ quan kiểm toán cho rằng chiều dài phần tuyến sau khi trừ chiều dài phần cầu và hầm của các dự án, gồm: dự án thành phần Bãi Vọt – Hàm Nghi; dự án thành phần Hàm Nghi – Vũng Áng; dự án thành phần Hoài Nhơn – Quy Nhơn; dự án thành phần Quy Nhơn – Chí Thạnh; dự án Vân Phong – Nha Trang có số liệu tính toán chưa phù hợp với tổng giá trị 124,686 tỉ đồng.

Ngoài ra, việc xác định hệ số vùng để tính đơn giá phần tuyến dự án thành phần Cần Thơ – Hậu Giang, dự án thành phần 12 (Hậu Giang – Cà Mau) theo sơ bộ tổng mức đầu tư chưa phù hợp với quy định tại Quyết định số 65/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng. Cụ thể, hồ sơ xác định vùng 3 với hệ số 0,922, nhưng quy định của Bộ Xây dựng xác định là vùng 6 với hệ số 1,09.

Bên cạnh đó, việc tính trùng chi phí hầm chui dân sinh làm tăng sơ bộ tổng mức đầu tư tại dự án thành phần Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau lần lượt 307 tỉ đồng và 512 tỉ đồng.

Còn với chi phí xây dựng phần đường và phần cầu trong sơ bộ tổng mức đầu tư, đơn giá được tính toán theo Quyết định số 65/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên đơn giá chưa có sự thống nhất tính theo suất vốn đầu tư hay chi phí xây dựng khi phần cầu đang tính trên suất đầu tư, phần đường tính theo chi phí xây dựng.

Về dự phòng, Kiểm toán Nhà nước cho biết, chỉ số giá xây dựng tính toán trong sơ bộ tổng mức đầu tư tại Tờ trình 568/TTr-CP thiếu chỉ số giá xây dựng năm 2020 – năm gần nhất theo hướng dẫn của Thông tư số 11/2021 của Bộ Xây dựng.

Thêm vào đó, tại dự án thành phần Chí Thạnh – Vân Phong chỉ số giá còn chưa phù hợp.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, tổng mức đầu tư 12 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 cao hơn đáng kể khi so sánh suất đầu tư của các dự án tương tự.

Cụ thể, dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết với sự tương đồng về loại, cấp, quy mô công trình chỉ có tổng mức đầu tư, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng là 10.854 tỉ đồng trên 101 km, tương ứng mức bình quân 107,5 tỉ đồng mỗi km.

Dự án thành phần đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo có tổng mức đầu tư, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng là 9.620,2 tỉ đồng trên 78,5 km, tương ứng 122,6 tỉ đồng mỗi km.

Dự án thành phần đoạn Phan Thiết – Dầu Giây có tổng mức đầu tư, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng là 12.577 tỉ đồng trên 100 km, tương ứng 125,77 tỉ đồng mỗi km.

Với những cơ sở này, Kiểm toán Nhà nước đã xác định lại số liệu sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 130.604 tỉ đồng – giảm 16.330 tỉ đồng so với Tờ trình của Chính phủ. Con số này được cơ quan kiểm toán đưa ra dựa trên kết quả kiểm toán một số dự án đường cao tốc có 4 làn xe như dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ giai đoạn 1 và Thông tư 11/2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quy đổi chi phí về năm tính toán, sử dụng chỉ số giá xây dựng bình quân năm 2018, 2019, 2020.

Như vậy, mức mức đầu tư bình quân với mỗi km đường thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông là 152,9 tỉ đồng, không bao gồm giải phóng mặt bằng, theo Kiểm toán Nhà nước.

Cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và cơ quan liên quan rà soát kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư của các dự án, tính khả thi của sơ bộ tổng mức đầu tư. Đồng thời, tham khảo số liệu tổng mức đầu tư của dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ giai đoạn 1 để bảo đảm khả năng cân đối nguồn vốn giai đoạn 2021-2025 và đảm bảo có đủ vốn triển khai hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2025.

1 BÌNH LUẬN

  1. Dự toán cao hay thấp vẫn chưa có căn cứ thực sự thuyết phục. Thời gian sẽ trả lời rằng chất lượng đường cao tốc có theo như chuẩn quốc tế không (chạy liên tục 15 năm vẫn chưa rung rinh) ? Nhiều nhà thầu của ta la trời kiểu làm ăn bây giờ, giá đấu thầu thì liên tục hạ xuống, chi phí ngoài luồng thì liên tục tăng lên, chất lượng đường sá làm sao bảo đảm được ? Vì công ăn việc làm của người lao động, nhiều khi phải ngậm đắng nuốt cay, đấu giá cho bằng được. Như vậy kết cục sẽ đi vào đường cùng, cả nhà thầu lẫn nhà đầu tư.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới