Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xử phạt vi phạm hành chính đơn vị phụ thuộc: Luật lệ vẫn còn “đá” nhau!

Phan Thị Ngọc Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và một số nghị định khác cùng có hiệu lực thi hành từ 1-1-2022 quy định trách nhiệm của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vi phạm hành chính (đơn vị phụ thuộc). Liệu điều này có thống nhất và hài hòa trong mối quan hệ với các quy định pháp luật liên quan?

Đơn vị phụ thuộc vi phạm hành chính bị xử phạt thế nào?

Điều 2.4 Nghị định 118 quy định đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, tổ chức vi phạm hành chính được chia ra hai trường hợp. Theo đó, có trường hợp là đối tượng không bị xử lý hành chính, có trường hợp lại bị xử lý hành chính.

Đơn vị phụ thuộc vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của pháp nhân, tổ chức hoặc theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức, thì không thuộc đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này là pháp nhân, tổ chức của đơn vị phụ thuộc đó.

Đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi hoặc thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc không theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức thì đơn vị phụ thuộc phải chịu trách nhiệm. Mức xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức.

Điều 2.4 Nghị định 118 áp dụng mức phạt của tổ chức cho đơn vị phụ thuộc. Như thế có thể hiểu rằng Nghị định 118 xem đơn vị phụ thuộc là tổ chức. Tuy nhiên, người đứng đầu đơn vị phụ thuộc lại không phải là người đại diện theo pháp luật. Nếu người đại theo pháp luật tham gia tố tụng tại tòa thì chẳng khác gì doanh nghiệp vi phạm hành chính.

Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 lại quy định trường hợp đơn vị phụ thuộc thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi hoặc thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc không theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức thì người đứng đầu đơn vị phụ thuộc phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với cá nhân.

Nghị định 125/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 quy định trách nhiệm của đơn vị phụ thuộc vi phạm hành chính thì áp dụng như quy định tại Nghị định 118.

Đơn vị phụ thuộc trong mối quan hệ với các quy định pháp luật khác

Quy định đơn vị phụ thuộc bị xử phạt vi phạm hành chính, thoạt nhìn thì phù hợp với quy định pháp luật dân sự về hậu quả của giao dịch dân sự, do người không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện xác lập, thực hiện.

Điều 142.2 và 142.4, điều 143.2, 143.4 Bộ luật Dân sự quy định: giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện thì người không có quyền đại diện vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch. Việc cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong trường hợp này mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, điều 138 Bộ luật Dân sự về đại diện theo ủy quyền quy định: cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh không phải là “pháp nhân khác” mà là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp. Như vậy hậu quả pháp lý theo điều 142, 143 Bộ luật Dân sự không áp dụng cho đơn vị phụ thuộc được.

Điều 84 Bộ luật Dân sự cũng quy định rõ, pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện. Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân.

Thống nhất với Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp quy định chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc có chức năng đại diện theo ủy quyền. Địa điểm kinh doanh là một phần của doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp quy định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước trọng tài, tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Nếu có hành vi xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị phụ thuộc thì đơn vị phụ thuộc có thể khởi kiện vụ kiện hành chính không? Lúc đó ai sẽ là người tham gia tố tụng trong vai trò đương sự? Điều 54.5 Luật Tố tụng hành chính quy định: đương sự là cơ quan, tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ trong tố tụng hành chính thông qua người đại diện theo pháp luật.

Điều 2.4 Nghị định 118 áp dụng mức phạt của tổ chức cho đơn vị phụ thuộc. Như thế có thể hiểu rằng Nghị định 118 xem đơn vị phụ thuộc là tổ chức. Tuy nhiên, người đứng đầu đơn vị phụ thuộc lại không phải là người đại diện theo pháp luật. Nếu người đại theo pháp luật tham gia tố tụng tại tòa thì chẳng khác gì doanh nghiệp vi phạm hành chính.

Trong khi đó, đơn vị phụ thuộc vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư sẽ tham gia thủ tục tố tụng hành chính với tư cách là cá nhân – người đứng đầu đơn vị phụ thuộc. Điều này lại không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp.

Cần một giải pháp đồng bộ

Quả thực, trên thực tế có những chi nhánh có quy mô và hoạt động hoàn chỉnh như doanh nghiệp. Trong số đó có không ít trường hợp chi nhánh thực hiện hành vi vượt ra ngoài phạm vi ủy quyền hoặc không được ủy quyền. Nếu buộc một doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cho tất cả chi nhánh của mình về điều này thì quá tải cho doanh nghiệp.

Quy trách nhiệm cho đơn vị phụ thuộc trong xử phạt vi phạm hành chính sẽ thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước với mọi thứ tại chỗ rất nhanh gọn. Bởi vì doanh nghiệp hay người đại diện theo pháp luật có thể ở một nơi rất xa với đơn vị phụ thuộc. Việc tham gia tố tụng cần có thêm chút thời gian để sắp xếp.

Nếu muốn phủ lỗ hổng trên bằng cách quy trách nhiệm cho đơn vị phụ thuộc thì cần phải sửa đổi quy định pháp luật đồng bộ, thống nhất. Mỗi lĩnh vực vi phạm áp dụng một cách khác nhau sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cần cân nhắc đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh ở một vị trí pháp lý như thế nào để có thể tham gia tố tụng độc lập. Khi vị trí pháp lý của những đối tượng này thay đổi thì các quy định pháp luật liên quan đến chủ thể này cũng cần thay đổi phù hợp. Hệ thống pháp luật cần sẵn sàng đồng bộ để thực hiện điều này.

Khi những điều vĩ mô chưa thể thực hiện ngay được, doanh nghiệp cần phải có giải pháp để bảo vệ quyền lợi và hoạt động bình thường của chính mình từ ngày 1-1-2022. Trước hết là rà soát lại và điều chỉnh các quy định về ủy quyền trong hệ thống đơn vị phụ thuộc của mình. Cần phổ biến quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính của từng lĩnh vực đến từng chi nhánh để họ biết trách nhiệm của họ khi làm những việc vi phạm hành chính mà không được doanh nghiệp ủy quyền hoặc là vượt quá giới hạn ủy quyền.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới