Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xứ sở những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xứ sở những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa

Bảo Uyên

(TBKTSG) – Nhận lời mời của Viện Goethe, nhân dịp kỷ niệm 35 năm Đức và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao, năm 2010, nhà văn nữ người Đức – Juli Zeh đến Việt Nam lần đầu. Bà đã có ba tuần đi từ Bắc đến Nam. “Xứ sở những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa” được khởi viết và kết thúc ngay trong chuyến đi này.

Xứ sở những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa

Hình ảnh Việt Nam đập vào mắt Zeh bắt đầu từ sân bay quốc tế Frankfurt. Ở đó, nồi cơm điện, máy in, bồn tắm… “Made in Vietnam” đang chờ các hành khách người Việt mang trở lại quê hương. Hàng “mang từ Đức về” được xem như bảo chứng cho chất lượng sản phẩm, dù chúng được tạo ra ở các công xưởng Việt Nam. Dịch giả của cuốn sách – ông Đinh Bá Anh – kể, sau chuyến đi, Zeh đã tóm tắt Việt Nam qua ba từ:”Mâu thuẫn – Lộn xộn – Thanh bình”. Có lẽ, đây là mâu thuẫn đầu tiên bà nhận ra ở đất nước này.

Những mâu thuẫn, tương phản tuần tự mở ra khi tác giả đặt chân đến Hà Nội. Đó là khi bà phải mua ly rượu với giá cắt cổ ở một khách sạn nhưng vẫn bị nhân viên dựng dậy lúc nửa đêm chỉ vì một thiếu sót có tính thủ tục hành chính – điền thiếu tên đệm trên hóa đơn. Đó là khi bà nhận ra một đất nước nghèo hơn Đức rất nhiều nhưng giá đất lại cao khủng khiếp và người dân vẫn lựa chọn mua đất, xây nhà. Dưới chân cầu Long Biên là những người đàn ông đội nón cối, những người đàn bà đội nón lá cặm cụi trồng cấy. Chỉ cách đó vài cây số là một linh hồn mới của Hà Nội, những tòa cao ốc đang mọc lên. Nhưng như Zeh nói: “Đất nước này là sự hòa tan những mâu thuẫn một cách khó hiểu”. Ở đầu kia đất nước, những tương phản được tạo ra trong sự giao thoa của các trục thời đại. Trên đường phố Sài Gòn, nơi các thương hiệu phương Tây san sát nhau, các công ty hiện đại vẫn bài trí văn phòng theo chỉ dẫn của thầy địa lý. Người ta sành điệu vận quần jean, giày Nike đến nghĩa trang thực hiện lễ nghi trong ngày bốc mộ người thân.

Trên suốt hành trình hơn 20 ngày, sự khác biệt giữa hai luồng văn hóa Đông – Tây tất nhiên đã tạo ra nhiều cú sốc cho tác giả. Nhưng tự thân không ít điều tồn tại ở đây đã làm cho tác giả phải kinh ngạc và không thể lý giải hết bằng phạm trù văn hóa.

Trên đường phố, người ta đi xe máy như thể luôn thừa một ngón tay để bấm còi, có thể vừa hút thuốc, vừa nghe điện thoại, vừa giữ một đứa bé khi đang chạy xe. “Họ không quá lo sợ cái chết”. Dòng xe cộ hòa vào, tách ra, quấn lấy nhau, đan vào nhau đã được Zeh hài hước gọi là “một màn xiếc tập thể”. Trong sự lộn xộn ấy, bỗng nổi lên những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa, chân quấn khăn, khẩu trang kín mặt mà bà so sánh như “đội quân cướp nhà băng”. Phía trên đám đông đang di chuyển là “những chùm dây điện như những con rắn khổng lồ cuộn trên cột”. Đường phố lộn xộn. Kiến trúc đô thị lộn xộn. Môi trường cũng “lộn xộn”, rác vứt tứ tung, từ nội thành ra ngoại thành.

Được viết vào năm 2010, nhưng ghi chép về Việt Nam của Zeh đến giờ vẫn còn tính thời sự. Tập du ký Xứ sở những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa (*) là những ý niệm của tác giả về Việt Nam đương đại được hình thành qua sự quan sát tinh tế cuộc sống thường nhật. Đi kèm hình ảnh tươi rói được bà ghi chép nhanh là những câu tự vấn, phê phán, lời văn hài hước đan xen tự trào.

Nhưng vậy, Zeh Zeh có yêu xứ sở này? “Không, tôi không yêu Việt Nam hoàn toàn”, bà nói với dịch giả, “nhưng có cái gì tôi yêu hoàn toàn đâu”. Bà đã tìm thấy thung lũng thanh bình có “bầu trời xanh như cái nắp úp phía trên” ở Mai Châu, có ý muốn “tư hữu hóa” cho riêng mình Hạ Long, phải thốt lên Hội An như nhân vật trong một bộ phim điện ảnh: “Trầm, đẹp, lạnh, đầy bí ẩn, rũ bỏ bụi trần”. Và cả Hà Nội, nơi bà chứng kiến không ít “lộn xộn” và “mâu thuẫn” nay đã trở thành nỗi nhớ nhẹ nhàng. Hà Nội có cô gái trẻ bán bia cho bà với giá như người bản xứ khi bà đã thành khách quen. Hà Nội có những căn nhà nhỏ xíu trong con phố hẹp bên hồ. Người ta ăn, ngủ, yêu đương, cười đùa ở đó.

Nhiều lạ lẫm ở đất nước này đã trở thành cái bình thường với bà, duy chỉ có “sự kiên nhẫn”. “Và Việt Nam hỡi,… bầu trời của bạn, những cánh đồng của bạn, biển của bạn và đâu đâu cũng là sự kiên nhẫn đến khó hiểu. Sự kiên nhẫn mang nụ cười của những người dân nước bạn: ôi, bí mật của lòng bất hận”, Zeh Zeh viết.

(*) Sách do First New-Trí Việt phát hành, giá 64.000 đồng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới