Thứ Bảy, 27/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu điện thoại sẽ tăng mạnh trở lại bởi Samsung ít phụ thuộc vào Trung Quốc?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xuất khẩu điện thoại sẽ tăng mạnh trở lại bởi Samsung ít phụ thuộc vào Trung Quốc?

Hùng Lê

(TBKTSG Online) – Dù tiếp tục dẫn đầu về giá trị xuất khẩu và bỏ xa các nhóm mặt hàng kế tiếp sau đó, nhưng nhóm sản phẩm điện thoại và linh kiện của Việt Nam trong 2 năm qua đã suy giảm tốc độ tăng trưởng. Liệu yếu tố mang tên Samsung có giúp kéo giá trị xuất khẩu nhóm mặt hàng này tăng cao trở lại khi nhà máy của hãng ở Việt Nam được cho là ít bị ảnh hưởng nguồn cung linh kiện ở Trung Quốc, nơi mà hoạt động sản xuất đang bị tàn phá nặng nề bởi dịch Covid-19.

Samsung hưởng lợi lớn khi Apple và các đối thủ lao đao vì dịch corona

Xuất khẩu điện thoại sẽ tăng mạnh trở lại bởi Samsung ít phụ thuộc vào Trung Quốc?

Kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện Việt Nam từ năm 2015 đến năm 2019 (đơn vị tính: tỉ đô la Mỹ). Đồ họa: Hùng Lê. (Nguồn: tổng hợp số liệu của Tổng cục Hải quan qua các năm)

Giảm tốc trên "đường đua" tăng trưởng

Đáng chú ý, trong 2 tháng liên tiếp vừa qua, xuất khẩu của nhóm điện thoại đã bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước đó. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nhóm điện thoại và linh kiện trong tháng 1-2020 ước đạt khoảng 2,6 tỉ đô la Mỹ, giảm 22,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vào tháng 12-2019, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy giá trị xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện bị giảm đến 36,5% so với tháng trước đó. Về nếu so với cùng kỳ năm 2018 thì kim ngạch xuất khẩu 2,86 tỉ đô la của tháng 12-2019 cũng bị sụt giảm nhẹ.

Nếu theo dõi diễn biến kết quả xuất khẩu của nhóm mặt hàng đang đóng góp nhiều nhất cho GDP (trên dưới 25%) cho thấy trong 2 năm qua, mức tăng trưởng xuất khẩu đang có chiều hướng bị chậm lại.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 51,38 tỉ đô Mỹ. Đây cũng là năm đầu tiên giá trị kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này của Việt Nam vượt mốc 50 tỉ đô la. Nhóm mặt hàng này đóng góp đến gần 19,45% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong năm 2019.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2018, kết quả xuất khẩu năm 2019 của nhóm mặt hàng này chỉ tăng 4,4%, tức tương ứng tăng được 2,16 tỉ đô la. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2019 tăng đến 8,4%, tương ứng tăng 20,49 tỉ đô la so với một năm trước đó. Và so với 9 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực còn lại thì nhóm sản phẩm điện thoại và linh kiện đang cho thấy sự hụt hơi trên "đường đua" tăng trưởng.

 

10 nhóm hàng xuất khẩu đạt mức tăng lớn nhất về trị giá trong năm 2019, trong đó mảng điện thoại bị lùi về mức tăng cao ở vị trí thứ 3. (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

 

Có thể nói, đây là năm thứ 2 liên tiếp giá trị xuất khẩu nhóm hàng hóa điện thoại và linh kiện có mức tăng trưởng chậm lại và bị thụt lùi so với những nhóm hàng trọng điểm khác.

Đơn cử, vào năm 2017, giá thị xuất khẩu nhóm hàng này dẫn đầu về giá trị tăng trưởng đạt 45,27 tỉ đô la, tăng đến 31,9% so với năm trước đó (tức tăng 10,95 tỉ đô la). Bước sang năm 2018, giá trị xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước đạt 49,08 tỉ đô la, dù vẫn tăng được 8,4% so với năm liền kề trước đó (tương đương tăng thêm 3,81 tỉ đô la) nhưng lại thấp hơn giá trị tăng trưởng của nhóm hàng dệt may (đạt 30,49 tỉ đô la, tăng 16,7% so với năm trước đó (tương đương với mức tăng giá trị là 4,37 tỉ đô la)).

Và trong năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu của nhóm mặt hàng điện thoại và linh kiện tiếp tục bị lùi về vị trí thứ ba. Cụ thể, máy vi tính, nguồn thu từ xuất khẩu sản phẩm điện tử và linh kiện trong năm qua tăng đến 6,36 tỉ đô la (tương ứng tăng 21,5%); và nhóm hàng dệt may tăng được 2,37 tỉ đô la (tương ứng tăng 7,8%) so với năm trước đó.

Nhân tố quan trọng mang tên Samsung

Trên thực tế mảng điện thoại và linh kiện trong những năm qua luôn chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đồng thời cũng là nhân tố quan trọng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam.

Đóng góp chủ yếu cho kim ngạch xuất khẩu này là các doanh nghiệp nước ngoài như Samsung, LG, Foxconn, Nokia… Tuy nhiên, nhân tố quan trọng nhất là tập đoàn Samsung. Nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới này đã chọn Việt Nam là nơi sản xuất trọng điểm của hãng với 2 tổ hợp nhà máy ở khu vực phía Bắc, cung cấp khoảng 50% lượng điện thoại bán ra toàn cầu của hãng. Việt Nam không chỉ là nơi sản xuất mà còn là nơi phát triển các linh kiện và là nơi đặt trung tâm nghiên cứu để phát triển nội địa hóa cho kỷ nguyên mới.

Hãng tin Reuters mới đây cho rằng giữa lúc các đối thủ lao đao vì tình trạng gián đoạn sản xuất và chuỗi cung ứng ở Trung Quốc do dịch Covid-19, thì Samsung sẽ được hưởng lợi lớn nhờ đặt trung tâm sản xuất tại Việt Nam. Không chỉ thương hiệu iPhone, các hãng smartphone khác của Trung Quốc như Xiaomi, Oppo, Vivo,… đều khốn đốn do tình trạng gián đoạn sản xuất và chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.

 

Samsung vừa giới thiệu Galaxy S20 trên thế giới và Việt Nam vào ngày 19-2.

 

Cũng theo Reuters, do 50% sản lượng smartphone hàng năm của Samsung đến từ Việt Nam nên hãng không bị quá nhiều tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19 – vốn bùng phát tại Trung Quốc.

Reuters dẫn một nguồn tin nắm rõ chuỗi cung ứng của Samsung, cho rằng: “Samsung đang ở vị thế tốt hơn để vượt qua tác động của dịch corona so với các đối thủ mạnh khác như Huawei và Apple. Dịch Covid-19 bộc lộ các rủi ro liên quan đến Trung Quốc. Chúng tôi cảm thấy may mắn vì chúng tôi có thể né thoát khỏi các rủi ro này”.

Trong cuộc trao đổi với báo giới, một đại diện của Samsung Việt Nam từng cho biết hãng sử dụng linh kiện điện tử từ nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc, nhưng chủ yếu từ Việt Nam và Hàn Quốc.

Bởi ít phụ thuộc nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc, các tổ hợp của Samsung ở Việt Nam sẽ không hoặc ít bị gián đoạn sản xuất so với các đối thủ khác, dẫn đến có cơ hội tăng sản lượng xuất khẩu, theo các nhà phân tích.

Tuy nhiên, còn quá sớm để có thể cho rằng Samsung có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng điện thoại và linh kiện của Việt Nam tăng cao trở lại như những năm trước. Bởi, nếu tình hình dịch Covid-19 kéo dài, Samsung cũng sẽ cảm nhận được tác động lan tỏa của nó vì hãng cũng có mua linh kiện từ Trung Quốc.

Báo cáo mới đây của hãng nghiên cứu thị trường TrendForce nhận định so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng smartphone toàn cầu trong quí 1-2020 sẽ giảm 12%, xuống mức 275 triệu đơn vị, thấp nhất trong 5 năm qua do tác động của dịch Covid-19.

Vào tuần qua, Samsung đã cho ra mắt thị trường thế giới ba mẫu smartphone cao cấp thuộc dòng Galaxy 20 được trang bị công nghệ 5G và mẫu điện thoại màn hình gập Galaxy Z Flip. Khi dịch Covid-19 đang "ngáng chân" các đối thủ của hãng trong việc cho ra mắt các sản phẩm mới, các nhà phân tích cho rằng điều này góp phần thúc đẩy người tiêu dùng hướng về các sản phẩm mới của Samsung

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới