Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần cẩn trọng hơn khi thu hút vốn FDI

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần cẩn trọng hơn khi thu hút vốn FDI

Nguyễn Văn Cường

(TBKTSG) – Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong hơn 20 năm qua có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, hiệu quả của số vốn FDI rất lớn đó có thực sự chỉ toàn những điều tích cực? Những phân tích sau đây không phải là mới nhưng lại trái ngược với những khẳng định mà chúng ta thường hay nghe nói.

Việt Nam thu hút vốn FDI với một môi trường kinh doanh không mấy thuận lợi. Cơ sở hạ tầng còn yếu kém, các thủ tục đầu tư còn nhiều phiền toái, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu… là những trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, số vốn FDI đăng ký rất lớn tới nay có vẻ như mâu thuẫn với những bất lợi kể trên. Thực ra, khi đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài đã có nhiều lý do:

Giá nhân công rẻ: Hơn 30 năm nay, do nền kinh tế yếu kém, mức sống của người dân còn thấp nên yêu cầu về thu nhập của người lao động Việt Nam thấp hơn nhiều so với lao động nhiều nước trong khu vực.

Đầu tư công nghệ không hiện đại: Phù hợp với tay nghề chuyên môn không cao của công nhân Việt Nam và vốn đầu tư ít (có thể tận dụng cả công nghệ lạc hậu hoặc đã hết thời hạn khấu hao cho nhẹ vốn đầu tư).

Nhẹ nhàng với trách nhiệm xử lý ô nhiễm môi trường: Việc Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải là một dẫn chứng. Họ đã xả nước thải gây ô nhiễm cả chục năm mới bị phát hiện.

Hay như trường hợp liên doanh Hyundai – Vinashin đã sử dụng xỉ đồng để làm sạch vỏ tàu từ nhiều năm nay, trong khi nhiều nước đã cấm công nghệ lạc hậu này khá lâu. Rồi Nhà máy điện Hiệp Phước lén lút chôn chất thải rất độc hại từ năm 1998 tới năm nay mới bị phát hiện.

Có cơ hội lách thuế dễ dàng: hơn 50% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ trong nhiều năm qua để khỏi phải đóng thuế thu nhập (trong khi vẫn mở rộng quy mô hoạt động). Cách lách thuế phổ biến là tính tăng chi phí vật tư và máy móc, thiết bị nhập khẩu, làm tăng chi phí trung gian.

Có cơ hội kinh doanh đất đai với giá rẻ: Các dự án sân golf xin phép tràn lan đã giúp các doanh nghiệp FDI có được những diện tích đất lớn, có khi nhằm kinh doanh địa ốc với chi phí rẻ để kiếm siêu lợi nhuận. Cần nói thêm là trong số vốn đăng ký 40 tỉ đô la của các dự án địa ốc thì các doanh nghiệp FDI chỉ thực sự góp khoảng 10% để lập dự án và giải tỏa mặt bằng; sau đó họ chuyển nhượng lại để kiếm lời (một số khác thì huy động vốn của khách hàng hoặc vay các ngân hàng ngay tại Việt Nam để cho đủ số 90% chi phí còn thiếu của dự án).

Với những tính toán kể trên, nhiều doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào Việt Nam. Thế nhưng, chỉ tính riêng việc giải quyết việc làm cho lao động trong nước thì hiệu quả cũng thấp vì số lượng nhân công Việt Nam được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp FDI không quá 5% tổng số lao động của cả nước.

Những phân tích nói trên không phải để nhằm phân biệt đối xử hay bài xích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ngược lại, rất mong các cơ quan có trách nhiệm thẳng thắn nhìn vào sự thật và cẩn trọng hơn nữa khi mời gọi đầu tư và đề ra những đối sách thích hợp nhằm sàng lọc, chỉ tiếp nhận những dự án FDI thực sự mang lại hiệu quả cho nền kinh tế đất nước và người dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới