Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ Mỹ buông AIG

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ Mỹ buông AIG

Năm 2008, AIG trở thành tập đoàn ở Mỹ lỗ nhiều nhất với số tiền 99,3 tỉ đô la.

(TBKTSG Online) – Trước sự phẩn nộ của dư luận, Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo hôm 17-3 sẽ đẩy nhanh quá trình thanh lý AIG, qua đó từ bỏ hy vọng vực dậy cựu tập đoàn bảo hiểm hàng đầu thế giới.

Bị chỉ trích ngày càng nhiều về việc quản lý hồ sơ AIG, bộ trưởng tài chính Timothy Geithner đã tuyên bố đẩy nhanh quá trình thanh lý tập đoàn bảo hiểm này, theo L’Expansion. Trong bức thư gửi cho bà chủ tịch Thượng viện Nancy Pelosi thuộc đảng Dân chủ và được công bố cùng buổi tối, ông Timothy Geithner đảm bảo: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu những biện pháp nhằm thanh lý AIG một cách có trật tự và để bảo vệ người đóng thuế ở Mỹ”.

Nắm giữ 79,9% vốn của AIG từ khi tập đoàn này gần như phá sản vào mùa thu năm ngoái, chính phủ Mỹ hy vọng cứu được AIG đang trong cơn nguy khốn, sau khi tập đoàn này nhượng lại một số cổ phần để bồi hoàn tiền trợ giúp của chính phủ. Năm ngoái, AIG lỗ 99,3 tỉ đô la Mỹ và được chính phủ liên tiếp trợ giúp thông qua bốn kế hoạch với tổng số tiền lên đến 180 tỉ đô la từ ngân sách.

Nhưng dư luận vốn đã không đồng tình với việc giải cứu biểu tượng của lĩnh vực tài chính thế giới này lại càng phẩn nộ hơn khi biết AIG trả thưởng đến 165 triệu đô la cho ban lãnh đạo đã đẩy tập đoàn vào con đường cùng. Vụ xì căng đan này trước hết làm vấy bẩn hình ảnh của bộ trưởng tài chính Geithner vì không như các thành viên khác của êkíp Obama, ông từng làm việc dưới thời chính quyền Bush. Với tư cách là chủ tịch Cục Dự trữ liên bang ở New York, ông Geithner đã đóng vai trò quan trọng trong lần giải cứu AIG đầu tiên vào tháng 9 năm ngoái.

“Tổng thống Obama từng nói rằng ông Geithner đã đóng vai trò quyết định trong việc giải cứu AIG và Citigroup nên ông đảm nhận công việc hiện nay, vì chính phủ mới muốn đảm bảo tính liên tục trong công việc”, giáo sư kinh tế Peter Morici thuộc đại học Maryland đã nhắc như thế trên đài phát thanh NPR.

Ông Geithner cũng nói rõ rằng AIG sẽ phải hoàn trả toàn bộ 165 triệu đô la tiền thưởng cho ban lãnh đạo. Ngoài ra, các quỹ bổ sung mà chính phủ đã cấp cho AIG (30 tỉ đô la) sẽ bị cắt số tiền tương ứng. Giáo sư Morici cho rằng bộ trưởng Geithner phải “giữ mình” trong chuyện này: “Ông ấy không cần thương lượng (việc hủy bỏ tiền thưởng) mà nên áp đặt quyết định”.

Riêng đối với những ai khẳng định rằng AIG buộc phải trả thưởng vì những nguyên nhân liên quan đến hợp đồng, giáo sư kinh tế này nhắc lại rằng chính phủ đã không ngần ngại buộc các hãng ôtô General Motors và Chrysler phải thương lượng lại các thỏa ước tập thể ký với nhân viên để đổi lấy việc nhà nước ra tay trợ giúp bằng ngân sách, dù điều đó làm ảnh hưởng đến chính nhân viên công ty.

MINH TRƯỜNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới