Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia: Chưa hết lo tỷ giá và nợ xấu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyên gia: Chưa hết lo tỷ giá và nợ xấu

Tư Hoàng

Chuyên gia: Chưa hết lo tỷ giá và nợ xấu
Tỷ giá vẫn đang là mối lo ngại của nhiều chuyên gia. Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Vấn đề tỷ giá và nợ xấu vẫn là đang là nỗi lo lắng thường trực hiện nay, theo tham luận của các chuyên gia sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 21-22/4 tại Nghệ An.

Hồi hộp với tỷ giá

Báo cáo của Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, ông Hà Huy Tuấn cho rằng, tỷ giá năm 2015 chịu nhiều áp lực hơn năm 2014.

Trong tham luận viết cho diễn đàn, ông Tuấn phân tích, mặc dù đã được điều chỉnh thêm 1% vào đầu năm 2015 và cam kết không điều chỉnh quá 2% trong năm nhưng tỉ giá vẫn chịu nhiều áp lực do ba yếu tố.

Thứ nhất, đồng đô la Mỹ đang tăng giá nhiều so với các ngoại tệ khác. Thứ hai, lãi suất đô la Mỹ được kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ cho tăng sớm vào tháng 6/2015 làm cho Chỉ số Dollar Index đạt mức cao nhất 12 năm.

(Dollar Index là chỉ số đo lường giá trị đồng đô la Mỹ với một giỏ 6 đồng tiền chủ chốt gồm euro châu Âu (EUR), yen Nhật (JPY), bảng Anh (GBP), đô la Canada (CAD), krona Thụy Điển (SEK) và franc Thụy Sĩ (CHF). Tỷ trọng các đồng tiền trong giỏ lần lượt là EUR (57.6%), JPY (13,6%), GBP(11,9%), CAD (9,1%), SEK (4,2%), CHF (3,6%). Dollar index bắt đầu từ tháng 3/1973 từ giá trị 100).

Thứ ba, dư địa điều chỉnh tỷ giá không còn nhiều sau khi tỷ giá đã được điều chỉnh 1% vào đầu tháng 1/2015.

Phần tham luận của ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm dự báo kinh tế xã hội quốc gia, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung thêm: “Hướng tăng giá đô la Mỹ sẽ còn tiếp tục, và việc giảm giá mạnh của các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ sẽ chưa dừng lại”.

Ông cho rằng, điều này làm cho tiền đồng tăng giá tương ứng có thể làm giảm tính cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu qua các quốc gia khác. Các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp cũng như dân cư sẽ có xu hướng nắm giữ đô la Mỹ nhiều hơn, nhất là khi lãi suất tiền gửi đô la Mỹ vẫn giữ ở mức khá thấp hiện nay. Cung/cầu ngoại tệ sẽ không thuận lợi như dự tính.

Ông Ân cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc lợi ích dài hạn của nền kinh tế để ra quyết định sớm có hay không nên điều chỉnh tăng tỷ giá theo cung – cầu của thị trường.

Tuy nhiên, ông Ân cho rằng, kế hoạch neo tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng có thể khả thi do hàng loạt yếu tố.

Kiều hối đạt 12,1 tỉ đô la Mỹ năm 2014, và đang tăng trưởng khoảng 10%/năm; tổng số vốn FDI giải ngân năm 2014 đạt 12,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,4% so với năm 2013; dự trữ ngoại hối của Việt Nam khoảng 36 tỉ đô la Mỹ.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên viết trong tham luận của mình rằng, dự trữ ngoại hối Việt Nam được nâng lên hơn 36 tỉ đô la Mỹ là mức cao nhất từ trước đến nay, giúp hỗ trợ tốt cho hoạt động thanh toán quốc tế.

Tuy nhiên, ông Thiên nhận xét, Việt Nam theo đuổi chế độ neo tỷ giá theo đô la Mỹ giúp làm giảm chi phí và rủi ro giao dịch; nhưng đối với thị trường tài chính chưa hoàn thiện của Việt Nam nó lại tiềm ẩn những rủi ro tiềm tàng.

Đồng Việt Nam bị đánh giá cao, gây áp lực lên tỷ giá, dẫn đến đầu cơ, đe dọa sự ổn định của thị trường ngoại hối.
Ông Thiên phân tích, thực tế cho thấy trong năm 2013, tỷ giá thị trường tự do tăng mạnh do tâm lý đồn đoán về điều chỉnh tiền đồng. Hơn nữa, đồng Việt Nam bị đánh giá cao, không hỗ trợ xuất khẩu, ảnh hưởng đến cơ cấu kinh tế đang là một chủ đề gây chú ý.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng dòng tiền “nóng” đang đổ vào Việt Nam để tận dụng mức lãi suất cao. Tuy nhiên, lãi suất đang có xu hướng giảm và các dòng tiền này có thể đổi chiều.

Nợ xấu vẫn đáng lo ngại

Chuyên gia Lê Đình Ân nhận xét, xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng có tín hiệu tích cực hơn, khi một mặt NHNN cấp hạn mức 80.000 tỉ đồng trái phiếu đặc biệt cho VAMC kỳ hạn 5 năm để mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Cơ quan này cũng đã trình Chính phủ phê duyệt những bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VAMC để tạo điều kiện xử lý thuận lợi hơn khối nợ xấu mua được, nhằm đạt mục tiêu đưa nợ xấu xuống dưới 3% trong 2015.

Ông Thiên cho rằng, khó khăn của thị trường tài chính – tiền tệ nói chung vẫn nằm ở khâu tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Kể từ khi ra đời cho đến hết năm 2014, VAMC đã mua khoảng 125-130 nghìn tỉ đồng nợ xấu gốc từ các tổ chức tín dụng. Tuy vậy, giá trị nợ xấu VAMC thu hồi được là không đáng kể. Tính đến 24/12/2014, chỉ thu hồi được khoảng 4.161 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động của tổ chức VAMC tại Việt Nam có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình xử lý nợ xấu.

Ông Thiên phân tích, cơ chế hoạt động của một tổ chức như VAMC ở các quốc gia khác thực chất là Nhà nước bỏ tiền ra mua nợ, ôm khoản nợ đó một thời gian, sau đó khi kinh tế phục hồi, thị trường tài chính, bất động sản ấm lên sẽ bán ra thị trường.

Nhưng VAMC của Việt Nam không như vậy. VAMC mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, được mang giao dịch với NHNN để vay tiền. Bán nợ, cầm giấy, ngân hàng vẫn phải tiếp tục đòi nợ và mỗi năm, trích dự phòng rủi ro bằng 20% tổng giá trị tờ giấy cầm ấy. Hiện VAMC đang gặp khó khăn trong việc phát mãi tài sản đảm bảo thông qua đấu giá, đã tổ chức ba lần đấu giá nhưng đều thất bại.

Ông Thiên nhận xét, hoạt động của thị trường tài chính – tiền tệ nói chung có sự ổn định hơn trong năm 2014 so với hai năm trước đó.

Ông khẳng định: “Nhưng đó dường như chỉ là biểu hiện bề ngoài, còn ẩn sâu trong tổ chức quản trị, giám sát trên toàn hệ thống vẫn tồn tại nhiều điểm yếu, rõ ràng nhất là xu hướng gia tăng nợ xấu, xử lý nợ xấu mang tính cơ học, phi thị trường”.

Ông Thiên khẳng định, các hoạt động mua lại, sáp nhập mà không làm thay đổi căn bản cấu trúc quản trị sẽ khó có thể xoay chuyển tình thế hiện nay. Hệ thống thông tin tín dụng của ngân hàng và xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp minh bạch là một yếu tố sống còn, bởi khi đó, những tổ chức tín dụng yếu kém buộc phải tái cấu trúc, còn dòng vốn tín dụng sẽ được chảy vào đúng những doanh nghiệp thực sự hoạt động hiệu quả.

Xem thêm:

Tỷ giá ngóng trời Tây

Đồng tiền có vô cảm?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới