Thứ Sáu, 10/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Cơn lốc” vàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Cơn lốc” vàng

Giá vàng lên cơn sốt đang thu hút nhiều nhà đầu tư mua bán kiếm lời. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Trong những ngày này khi phần lớn các nhà đầu tư đến các sàn chứng khoán để quan sát bảng điện tử, tìm kiếm thông tin, chờ một ngày không xa cổ phiếu phục hồi, thì tại các sàn giao dịch vàng và các đại lý nhận lệnh vàng, số lượng người tham gia tăng vọt.

Doanh số giao dịch 1 tỉ đô la Mỹ/ngày

Giá vàng càng biến động, lượng người tham gia giao dịch càng đông. Trong khi tổng giá trị giao dịch của sàn Hose hiếm hoi mới có ngày vượt mức 200 tỉ đồng, thì giá trị giao dịch một vài ngàn tỉ đồng/ngày là chuyện bình thường ở các sàn vàng.

Chẳng hạn ngày 6-3-2009 tổng lượng giao dịch của sàn vàng ACB lên tới 311.780 lượng, tương đương 6.147 tỉ đồng; Trung tâm Giao dịch vàng Việt Nam 127.850 lượng (phiên tối) trị giá 2.528 tỉ đồng. Những sàn vàng khác như sàn vàng APEC – phố Wall, Sacombank, Đông Á, SJC – Eximbank (đang phục vụ khách hàng doanh nghiệp), NAVIS – AGC… đều có lượng giao dịch trên dưới 100.000 lượng/sàn/ngày.

Bình quân, lượng giao dịch của tất cả các sàn vàng khoảng 500.000-600.000 lượng/ngày. Gần đây, mức giao dịch tăng lên 700.000-800.000 lượng/ngày, thậm chí cao hơn. Doanh số giao dịch vàng, do đó, đã đạt ngưỡng 1 tỉ đô la Mỹ/ngày.

Trừ sàn vàng ACB mới đây giảm phí giao dịch xuống 1.000 đồng/lượng, còn phí của các sàn khác đều bằng nhau 2.000 đồng/lượng (thu của cả người mua và bán, thành ra phí là 4.000 đồng/lượng).

Không giống chứng khoán phải có đủ tiền trong tài khoản, nhà đầu tư mới được đặt lệnh mua cổ phiếu và phải có đủ cổ phiếu mới được đặt lệnh bán, các sàn vàng sẵn sàng cho nhà đầu tư vay để bán. Còn nếu mua, khách hàng chỉ cần ký quỹ 7% tổng giá trị giao dịch. Thí dụ khách hàng đầu tư 100 triệu đồng, chỉ cần ký quỹ 7 triệu đồng là có thể giao dịch. Sức hấp dẫn của sàn vàng, ngoài biến động giá vàng, một phần nhờ vào quy định ký quỹ này.

Nhiều công ty chứng khoán đang trở thành đại lý nhận lệnh mua bán cho các sàn vàng. Mức chiết khấu của sàn vàng cho các công ty chứng khoán khá lớn, chừng 40-50% phí. Có công ty được chiết khấu tới 60%. Cứ một lượng vàng nhận lệnh được chuyển về sàn vàng, công ty chứng khoán được “hoa hồng” 800-1.000 đồng. Trong khi doanh thu từ dịch vụ môi giới, tư vấn chứng khoán đang ngày một eo hẹp, “hoa hồng” đại lý nhận lệnh mua bán vàng đã giúp không ít công ty chứng khoán “sống được”.

Nếu thời gian giao dịch chứng khoán chỉ vào buổi sáng, kéo dài trong 150 phút, từ 8 giờ 30 đến 11 giờ, thì giao dịch vàng diễn ra suốt ngày, đến tận 23 giờ khuya. Từ 21 giờ 30 tối (mùa hè là 20 giờ 30) thị trường Mỹ bắt đầu giao dịch, cũng là thời điểm giá vàng biến động nhiều nhất trong ngày. Vì thế số lượng giao dịch của các sàn vàng Việt Nam thường gia tăng mạnh vào phiên tối.

Ở đây, chúng tôi không bàn đến tính pháp lý cũng như rủi ro của nhà đầu tư khi giao dịch vàng trên sàn. Điều đó thuộc chức năng của các cơ quan cấp phép hoạt động sàn vàng và quyết định cá nhân của nhà đầu tư. Tuy nhiên, có những hoạt động của một số sàn vàng đang vượt tầm kiểm soát mà đáng lẽ cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm.

Các sàn vàng (trừ sàn vàng của các ngân hàng được phép kinh doanh vàng) không có chức năng huy động, cho vay vàng và tiền. Nhưng trên thực tế họ vẫn thực hiện nghiệp vụ này thông qua việc hạch toán ứng tiền cho khách hàng và tính lãi trên tiền ứng. Vô hình trung các sàn vàng đang thực hiện nghiệp vụ của tổ chức tín dụng.

Mặt khác, không ít sàn vàng đang đứng ở thế kinh doanh rủi ro. Vì một lý do nào đó, sàn vàng buộc phải ngưng hoạt động, phải trả vàng cho khách hàng, họ lấy đâu ra vàng để trả? Các sàn vàng như ACB, Eximbank, Đông Á, Sacombank có ngân hàng mẹ đằng sau hỗ trợ. Mỗi ngân hàng nói trên đều có lượng vàng huy động thường xuyên từ 150.000-500.000 lượng/ngân hàng. Do đầu ra cho vay vàng hiện đang thấp, họ có khả năng đảm bảo thanh khoản vàng. Sàn vàng của các công ty hoặc pháp nhân khác không có chỗ dựa như vậy.

Thuế ở đâu?

Đầu tư chứng khoán hiện đang được tạm miễn thuế, nhưng chắc chắn sẽ phải nộp khi kinh tế tăng trưởng cao trở lại và thời gian kích cầu kết thúc. Giao dịch chứng khoán được quản lý chặt chẽ và thị trường chưa có chỗ cho các công cụ phái sinh.

So với chứng khoán, giao dịch vàng trên sàn đang là “thiên đường miễn thuế”, bởi các nhà đầu tư vàng không phải nộp bất cứ khoản thuế nào. Vì sao? Vì giao dịch vàng trên sàn còn non trẻ? Vì doanh số giao dịch hàng trăm triệu đô la Mỹ/ngày không đáng quan tâm? Hay vì cơ quan thuế quá bận thu thuế ở những ngành nghề khác mà chưa chú ý đúng mức đến giao dịch sàn vàng?

Cho dù với lý do nào đi nữa, một cơ chế thuế điều tiết kinh doanh vàng trên sàn đối với nhà đầu tư lúc này là cần thiết. Nó cần thiết không phải chỉ vì thông qua cơ chế thuế, Nhà nước có thể tăng cường kiểm soát các sàn vàng và ngăn chặn rủi ro nếu có, mà còn thể hiện sự công bằng của thuế đối với các kênh đầu tư. Đầu tư bất động sản, chứng khoán, hay những tài sản có giá trị khác đều phải nộp thuế, tại sao sàn vàng thì không?

Và thêm một điều không thể bỏ qua. Các công ty kinh doanh vàng (kể cả mở sàn vàng) ở nước ngoài đều có bảo hiểm nghề nghiệp và tài sản. Các tổ chức tín dụng ở Việt Nam được phép huy động, cho vay, kinh doanh vàng đều phải đóng bảo hiểm tiền gửi với mức phí 0,15% tổng vốn huy động nhằm phòng ngừa rủi ro (vàng được quy thành tiền tại thời điểm đóng phí để tính).

Hiện nay, đã có sàn giao dịch vàng nào của Việt Nam mua bảo hiểm? Mức độ bảo hiểm ra sao? Nếu họ chẳng may phải đóng cửa, ai đền bù thiệt hại (nếu có) cho nhà đầu tư? Cho đến giờ, những câu hỏi đó vẫn còn bỏ ngỏ…

HẢI LÝ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới