Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp mong cơ quan thuế thấu tình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp mong cơ quan thuế thấu tình

Minh Tâm

Doanh nghiệp mong cơ quan thuế thấu tình
Nhiều doanh nghiệp không thể nộp thuế vì kinh doanh khó khăn. Ảnh minh họa: Minh Tâm

(TBKTSG Online) – Kinh doanh khó khăn, không có tiền nộp thuế nên không ít doanh nghiệp đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế chậm nộp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý tính đến cả yếu tố tình chứ không chỉ lý để chia sẻ khó khăn, giúp doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh có tiền nộp thuế.

Mở lời tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Cục Thuế TPHCM và các doanh nghiệp Hội Lương thực – Thực phẩm TPHCM (FFA) do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) tổ chức hôm 9-11, ông Nguyễn Chí Nguyện, Tổng thư ký FFA đã đặt vấn đề, xin cơ quan thuế "một chút tình" để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn chứ không phải viện dẫn các điều khoản trong luật định.

Tất nhiên, những khó khăn không thể giải quyết được ngay nhưng nó sẽ tạo được chút ấm áp để doanh nghiệp có thêm niềm tin, hy vọng.

Ông Nguyện kể câu chuyện của một doanh nghiệp mà theo ông, đơn vị này sau khi kể ra những khó khăn thì lại nhắn tin nói thêm rằng, xin ông đừng nói tên với cơ quan thuế kẻo “thuế lại ghét bên em”.

Chuyện rằng, doanh nghiệp này nợ thuế, một phần do kinh doanh khó khăn, không có tiền thực hiện nghĩa vụ; một phần là nuôi hy vọng được thuộc diện miễn, giảm, giãn nộp thuế như chính sách của Chính phủ. Kết cục là quá thời hạn nộp thuế mà vẫn chưa đóng được thuế, công ty này bị niêm phong hóa đơn bán hàng. Giữa lúc này, doanh nghiệp ký được hợp đồng bán hàng cho một hệ thống siêu thị.

Nhưng vì hai lần liên tiếp không có hóa đơn xuất cho khách hàng nên bị mất đơn hàng, hủy hợp đồng. “Lúc này, doanh nghiệp đứng trước hai lựa chọn. Một là đóng cửa, giải thể. Hai là làm liều để tiếp tục kinh doanh. Và họ đã chọn cách thứ hai, khui niêm phong hóa đơn”, ông Nguyện kể.

Theo ông Nguyện, ông kể chuyện này ra, không phải để nghe cơ quan quản lý viện dẫn điều luật này, khoản quy định kia mà muốn Cục Thuế nói về tình, khi biết chuyện sẽ giúp doanh nghiệp ra sao, sửa như thế nào? Ông mong có một bàn tay từ cơ quan quản lý để nắm lấy doanh nghiệp, tạo chút ấm áp để họ tin tưởng và hy vọng dù không giải quyết được ngay.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội nghị, ông Nguyện cho biết doanh nghiệp trong câu chuyện kể trên là một thành viên của hội, tuy là doanh nghiệp nhỏ nhưng sản phẩm đã có thương hiệu, uy tín, vào được các hệ thống siêu thị. Và đây cũng không phải doanh nghiệp duy nhất không có tiền nộp thuế vì kinh doanh khó khăn hiện nay mà ông biết.

Cũng cùng tâm trạng, đại diện Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Liên Thành, chuyên sản xuất nước mắm kể lại câu chuyện năm 2008 của đơn vị này. Năm đó, theo người phụ trách tài chính của công ty, kinh doanh rất khó khăn, ngân hàng không cho vay.

“Có đồng nào, chúng tôi phải dồn hết để mua cá làm nguyên liệu sản xuất. Mua với ngư dân nên phải tiền trao cháo múc, thậm chí ứng trước mới có hàng. Chúng tôi không có tiền nộp thuế. Và thế là cơ quan thuế xuống phạt chậm nộp. Chúng tôi lại là doanh nghiệp bậc 1 nên không thuộc diện gia hạn nộp thuế”, vị đại diện này kể.

Đại diện Công ty Liên Thành chia sẻ thêm với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng, ở thời điểm đó, công ty cũng có văn bản trình bày về những khó khăn thực tế gặp phải. Tuy nhiên đã không được xem xét. Khoản tiền thuế và phạt chậm nộp lúc đó là một áp lực lớn với công ty trong tình hình khó khăn.

Doanh nghiệp đề xuất, Cục Thuế nên xem xét từng trường hợp cụ thể để chia sẻ, hỗ trợ.

Trả lời câu hỏi và phản ánh của doanh nghiệp, bà Trần Thị Lê Nga, Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM cho biết, ngày 1-7-2007, Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành, quy định rất rõ về quy trình xử lý nợ đọng.

Trước thời điểm này, bà Nga khẳng định, với những trường hợp nợ đọng, cơ quan thuế thực hiện đốc thu chứ chưa tính phạt nộp chậm và cũng ít áp dụng cưỡng chế vì hiểu rằng doanh nghiệp có những khó khăn khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, khi đã có luật và quy định rất rõ ràng việc bao nhiêu ngày thì phạt chậm nộp, biện pháp xử lý ra sao… thì cơ quan thuế phải thực hiện vì là cơ quan thừa hành.

Về trường hợp của doanh nghiệp mà ông Nguyện nêu, bà Nga nói rằng, doanh nghiệp đã vi phạm quy định liên tiếp khi khui niêm phong ra, đáng nhẽ nên đến cơ quan thuế trình bày rằng "tôi có đơn hàng, có khả năng nộp thuế để được tháo gỡ hợp pháp".

Nhưng chuyện đã xảy ra rồi thì hướng giải quyết là doanh nghiệp cần đến cơ quan thuế. Nếu trực thuộc quản lý của Cục Thuế TPHCM thì gặp trực tiếp bà Nga, còn nếu thuộc chi cục thuế cấp quận, huyện thì gặp Chi cục trưởng để được hỗ trợ, tháo gỡ.

Các trường hợp khác ngoài thẩm quyền, bà Nga nói rằng sẽ ghi nhận và báo cáo cơ quan cấp trên để có hướng giải quyết cũng như điều chỉnh cho phù hợp.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới