Thứ Hai, 6/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đừng thua khi chưa đánh!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đừng thua khi chưa đánh!

(minh họa: Khều).

(TBKTSG) – Do ảnh hưởng của quan điểm phân tích theo kiểu khoa học thực nghiệm, thầy thuốc y học hiện đại thường mười người thì hết chín có khuynh hướng cho thuốc dựa vào cơ chế bệnh lý. Một thí dụ điển hình là bệnh tiểu đường.

Cho đến nay, theo định nghĩa, tiểu đường là bệnh do thiếu nội tiết tố insulin của tụy tạng khiến đường huyết tăng cao trong máu rồi kéo theo đủ thứ hậu quả nhiêu khê về biến dưỡng, nội tiết, thần kinh…

Lý do là vì tụy tạng không hiểu sao đó, hoặc kiệt lực sau nhiều ngày gắng sức điều chỉnh đường huyết do gia chủ quá mạnh miệng với chất đường, hoặc cạn sức vì phải liên tục đối đầu với tình huống căng thẳng từ cuộc sống của chủ nhân, hoặc tạm ngừng sản xuất đột ngột rồi tê liệt luôn do cú “sốc” nào đó trong nghề nghiệp, trong gia đình…

Chính vì thế, nguyên tắc điều trị bệnh tiểu đường là tiếp tế insulin, hoặc bằng cách tiêm với bệnh nhân thuộc nhóm I, hay uống thuốc có tác dụng tương tự insulin với người bệnh thuộc nhóm 2. Nghe qua hợp lý vì thiếu thì châm thêm nhưng suy đi tính lại thì với cách nào tụy tạng cũng đóng vai thụ động, cứ như ngồi không đợi tiền viện trợ!

Quan điểm vừa trình bày về bệnh tiểu đường không còn đứng vững. Gần đây, nhờ tiến bộ trong kỹ thuật phân tích của ngành sinh hóa, các nhà nghiên cứu về bệnh tiểu đường đã phát hiện trong nhiều trường hợp, nội tiết tố insulin trong cơ thể người bệnh không thiếu mà chỉ mất hoạt tính vì bị phong bế, cứ như người có khả năng nhưng hoặc không được trọng dụng, hoặc giận dỗi không thèm cộng tác.

Từ nhận thức đó, càng lúc càng có nhiều thầy thuốc đồng quan điểm là không nên chỉ tiếp tế mà quan trọng hơn nhiều, làm sao vực dậy sức đề kháng còn ngái ngủ. Chữa bệnh cũng như làm kinh tế, nếu chỉ tập trung vào biện pháp bù lỗ thì không lạ gì nếu cả hai, người cho lẫn người nhận, sớm đến lúc đứt hơi!

Tương tự như thế với bệnh tiểu đường, thay vì chỉ trông mong vào thuốc đặc hiệu trong khi thuốc sớm muộn cũng mất tác dụng, vấn đề là làm sao huy động tiềm năng của tụy tạng để cơ quan này chịu ra sân vào hiệp hai với tinh thần quyết thắng, với phong cách thi đấu hiệu quả hơn.

Kết quả của nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây cho thấy điều đó hoàn toàn khả thi. Không quá khó để cải thiện hoạt tính của insulin trong cơ thể người bệnh tiểu đường nếu biết cách áp dụng một số hoạt chất thiên nhiên dưới đây:

1. Quế. Thầy thuốc ở nhiều nước phương Tây hiện rất tâm đắc với tác dụng ổn định đường huyết của quế khi dùng mỗi ngày từ 500 mi li gam đến 1 gam bột quế cho người tuy dùng thuốc hạ đường huyết đúng y như thầy thuốc biên toa, lại thêm kiêng cữ đúng cách, nhưng đường huyết vẫn trồi sụt khó lường.

2. Khoáng tố vi lượng. Không chỉ có hiệu năng yểm trợ sức đề kháng và thúc đẩy quy trình làm lành vết thương, hai nhược điểm thường gặp trên người bệnh tiểu đường, kẽm và crôm còn có tác dụng ổn định lượng đường trong máu. Bên cạnh mễ cốc, bữa ăn có hải sản như chem chép, nghêu, sò… 1-2 lần trong tuần là điều không nên quên trong chế độ dinh dưỡng của người bệnh tiểu đường.

3. Sinh tố B1. Theo các nhà nghiên cứu về bệnh tiểu đường ở Mannheim, CHLB Đức, sau khi đúc kết dữ liệu thống kê từ nhiều lô bệnh nhân được điều trị đối chứng, sinh tố B1, không cần liều cao, chẳng hạn chỉ 50 mi li gam mỗi ngày, rõ ràng vừa ngăn ngừa các chứng đau nhức thần kinh trong bệnh tiểu đường, vừa giúp cho thuốc hạ đường huyết có tác dụng nhanh hơn.

4. Chất màu trong mễ cốc. Cũng theo các nhà nghiên cứu ở Đức, nhiều loại chất màu thuộc nhóm anthocyanin trong vỏ các loại đậu có khả năng kéo dài tác dụng của insulin. Để vừa chống cảm giác đói, một trong những nỗi dằn vặt của người bệnh tiểu đường, vừa giúp tụy tạng lấy lại phong độ như mong muốn, bệnh nhân tiểu đường nên thường xuyên có trên bàn ăn đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, càng nhiều màu càng tốt, để đẩy lùi màu xám thê lương của bệnh tiểu đường. Tất nhiên, đừng dùng đậu để nấu… chè!

5. Chất đạm. Điển hình là lecithin trong đậu nành, carnitin trong thịt dê và lysin trong rong biển. Người bệnh càng có đủ chất đạm cần thiết cho cấu trúc của tế bào thần kinh và nội tiết tố, càng ít gặp biến chứng của bệnh tiểu đường.

6. Vi sinh trên đường ruột. Từ lâu người ta đã ghi nhận thuốc hạ đường huyết mất tác dụng nhanh hơn ở người bị rối loạn cân bằng vi sinh trong khung ruột. Tiếp tế đều đặn lực lượng vi sinh hữu ích như lactobacillus, bifidum… là biện pháp gián tiếp hỗ trợ tác dụng của thuốc để người bệnh nhờ đó tránh được liều cao, nghĩa là giảm phản ứng phụ.

Công năng của sáu nhóm hoạt chất trên thì nhiều thầy thuốc đã hiểu, bằng chứng là hiệu năng của liệu pháp được cải thiện thấy rõ khi thầy thuốc kết hợp các chất này trong phác đồ điều trị. Nhưng điểm đáng nói, theo kết quả một công trình nghiên cứu đối chứng ở Heidelberg, tổng trạng của nhiều người bệnh tiểu đường được cải thiện khi thầy thuốc khuyến khích người bệnh chủ động áp dụng hoạt chất sinh học để phụ lực, thay vì chỉ cầm toa mua thuốc.

Đáng kể hơn nữa là hiệu năng vẫn hiển hiện ngay cả khi áp dụng “giả dược”! Như thế, để huy động sức bật của tụy tạng, nhất là của người bệnh, phải chăng tác chất quan trọng nhất chính là tinh thần lạc quan của người bệnh? Thắng sao nổi nếu chưa ra sân đã muốn thua cho rồi? Dễ gì thua nếu phút nào trên sân cũng đá với tinh thần “chơi tới bến”?

Không riêng gì với bệnh tiểu đường. Chữa bệnh mãn tính nào cũng thế, chẳng khác nào dùng người. Bảo đâu làm đó, nói gì làm y như thế, hay gần được như thế thì có gì hay. Khéo hơn nhiều là làm sao huy động niềm hứng thú của người cộng tác. Còn gì chán hơn là cuộc sống thiếu sáng tạo nếu ai nấy đều bình chân theo kiểu chỉ đâu đánh đó, dại gì mà làm khác cho mang họa! Biên toa cho thuốc cũng thế mà thôi.

BS. LƯƠNG LỄ HOÀNG – Trung tâm Oxy cao áp, TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới