Chủ Nhật, 5/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lãi suất thấp cản trở cho vay tiêu dùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lãi suất thấp cản trở cho vay tiêu dùng

Ngân hàng vẫn chưa dám mạnh tay với cho vay tiêu dùng tín chấp – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Hầu hết các ngân hàng đều không mặn mà lắm với việc cho vay tín chấp tiêu dùng vì đây là loại hình cho vay rủi ro cao nhưng lãi suất lại chỉ bằng với các sản phẩm cho vay khác.  

Sau khi lãi suất cơ bản giảm xuống còn 8,5%, các ngân hàng hiện chỉ có thể cho vay với lãi suất cao nhất là 12,75% đối với tất cả các khoản vay, kể cả tín chấp và thế chấp, ngắn hạn và dài hạn. Vì vậy, với cùng một mức lãi suất trần thì ít có ngân hàng nào mặn mà với việc cho vay tín chấp.  

Ông Mai Tòng Bá, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn của Ngân hàng Á Châu (ACB), cho biết trong quá khứ có lần chi nhánh ông đã gặp rất nhiều khó khăn khi cho vay tiêu dùng tín chấp để mua xe. Vì thế, với sản phẩm cho vay khá rủi ro này, chi nhánh của ông hạn chế cho vay hoặc nếu có thì điều kiện để xét rất khắt khe.  

“Với cùng một mức lãi suất trần là 12,75%, các ngân hàng đều thích cho vay thế chấp hơn là tín chấp”, ông Bá nói. Ông Nguyễn Quốc Sỹ, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Miền Tây, thì cho rằng thông thường lãi suất cho vay tín chấp phải cao hơn so với lãi suất cho vay thế chấp, trong khi lãi suất trung và dài hạn thì phải cao hơn lãi suất cho vay ngắn hạn. Tuy nhiên, tại Việt Nam chỉ có một trần lãi suất (hiện là 12,75%) cho tất cả. Ông Sỹ cho biết ở Mỹ thời gian trước, lúc lãi suất cho vay thế chấp là 5% thì cho vay tín chấp có lãi suất là 15%.  

Tuy nhiên, ông Sỹ nói các ngân hàng không thể hạ tiếp lãi suất huy động để có thể đẩy mạnh cho vay tiêu dùng vì cần phải đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng đặc biệt trong thời điểm gần Tết.

Theo tính toán của các chuyên gia, để một ngân hàng có lời và an toàn trong hoạt động tín dụng với trần lãi suất cho vay là 12,75% thì lãi suất đầu vào của ngân hàng đó không được cao hơn 8%/năm. Mà nếu giảm lãi suất huy động nhiều thì các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nhỏ, e ngại tình trạng rút vốn sẽ xảy ra.  

Ngân hàng An Bình – vốn đang muốn đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, vẫn không muốn tăng mạnh dư nợ cho vay tiêu dùng tín chấp. Ông Đàm Thế Thái, giám đốc khối khách hàng cá nhân của ngân hàng, cho biết An Bình tập trung đầu tiên là cho vay mua hoặc sửa nhà, cho vay sản xuất kinh doanh của hộ gia đình, và cho vay mua xe, cuối cùng mới là cho vay tín chấp tiêu dùng.  

“Tín dụng tín chấp chỉ nên chiếm 5% tổng dư nợ cho vay khối khách hàng cá nhân hoặc chiếm 2% tổng dư nợ của ngân hàng”, ông Thái nói.  

Ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), thì cho rằng chỉ khi được thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận thì ngân hàng mới mạnh dạn cho vay tiêu dùng cả tín chấp và thế chấp vì các khoản vay này cần phải trích dự phòng cao làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng. Để tránh rủi ro, OCB hiện chỉ cho vay tín chấp đối với các cá nhân được trả lương qua ngân hàng này và doanh nghiệp mà cá nhân đó làm việc phải có uy tín với ngân hàng.  

Các ngân hàng cũng đã có kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước về cho phép thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận nhưng cơ quan quản lý vẫn đang nghiên cứu để đưa ra quy định về vấn đề này.  

Mặc dù vốn khả dụng của các ngân hàng hiện khá dồi dào nhưng do thiếu cơ chế cho lãi suất thỏa thuận, các ngân hàng vẫn chưa mạnh dạn với cho vay tiêu dùng, vốn là một trong những cách để giúp kích cầu tiêu dùng nội địa.  

THỦY TRIỀU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới