Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lạm dụng thuốc trừ sâu đe dọa sản lượng gạo châu Á

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lạm dụng thuốc trừ sâu đe dọa sản lượng gạo châu Á

Chánh Tài

Một nông dân tại tỉnh Tây Java (Indonesia) xịt thuốc trừ sâu trên cánh đồng lúa. Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) – Hãng tin AFP ngày 6-3 dẫn lời các nhà khoa học cảnh báo sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu đang tạo ra nguy cơ “các cuộc tấn công ồ ạt của sâu bọ” tàn phá các cánh đồng lúa và đe dọa an ninh lương thực.

Việc sản xuất thuốc trừ sâu giá rẻ gia tăng tại Trung Quốc, Ấn Độ cùng với quy định lỏng lẻo và giáo dục không đầy đủ cho nông dân về sử dụng thuốc trừ sâu đang hủy hoại hệ sinh thái xung quanh các cánh đồng lúa, tạo điều kiện cho sâu bọ bùng phát. Nguy cơ này đã xuất hiện cách đây hơn 10 năm và nếu tiếp tục không kiểm soát, sâu bọ có thể tàn phá các cánh đồng lúa rộng lớn tại châu Á.

Những cảnh báo trên được nêu ra trong một cuộc hội thảo tại Singapore vào tuần trước với sự góp mặt của các nhà khoa học từ Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc và Việt Nam.

Do muốn tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu gia tăng, những người nông dân không được huấn luyện đầy đủ thường lạm dụng thuốc trừ sâu.

Nhà khoa học người Úc George Lukacs nói: “Chúng ta càng sử dụng nhiều thuốc trừ sâu trên các cánh đồng lúa, càng làm cho nạn sâu bọ tệ hại hơn”.

Ông cho biết Trung Quốc và nhiều nước khác ở châu Á quy định lỏng lẻo việc sử dụng thuốc trừ sâu dẫn đến sâu bọ phát triển khả năng kháng thuốc. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn khi sử dụng thuốc trừ sâu vô tội vạ, làm hủy hoại hệ thống sinh thái xung quanh các ruộng lúa, môi trường sống của những côn trùng ăn sâu bọ như chuồn chuồn, nhện.

Ông Lukacs và các nhà khoa học khác kêu gọi các nhà sản xuất thuốc trừ sâu, các cơ quan quản lý nhà nước và các chính quyền địa phương hợp tác chặt chẽ để đưa ra các hướng dẫn thực hành tốt nhất trong sản xuất và sử dụng thuốc trừ sâu.

Gạo là lương thực chủ lực tại phần lớn các nước châu Á, bao gồm hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, nên khu vực này càng dễ bị tổn thương nếu giá lương thực tiếp tục tăng và nguồn cung không đủ.

(Theo AFP)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới