Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lo ngại đề án xây đê chống ngập

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lo ngại đề án xây đê chống ngập

Xây đê ngăn nước triều dâng, nhưng khi mưa lớn liệu có hết ngập? Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Mùa mưa đang đến gần, bài toán chống ngập cho thành phố vẫn còn rất nan giải; nhiều điểm ngập cũ vừa đưọc giải quyết xong, lại xuất hiện thêm các điểm ngập mới. 

Hiện TPHCM có 100 điểm ngập, trong đó khu vực trung tâm có 60 điểm.

Ngày 24-4, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo UBND và HĐND TPHCM và các nhà khoa học đã thảo luận về các giải pháp quy hoạch đô thị cho khu vực trung tâm thành phố hiện hữu và phương án chống ngập lâu dài cho toàn thành phố.

Xây 164 ki lô mét đê chống ngập

Về đề án quy hoạch thủy lợi chống ngập cho thành phố, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn Đào Xuân Học cho biết, hàng năm thành phố thiệt hại từ 1.500 tỉ đồng đến 2.000 tỉ đồng do ngập lụt gây ra; do vậy, đề án này có tầm ảnh hưởng quan trọng đến việc giải quyết ngập lụt cho toàn thành phố kết hợp với các dự án giải quyết vấn đề chống ngập khu vực nội thành.

Theo Thứ trưởng Đào Xuân Học, để giải quyết chống ngập cho thành phố, cần lưu ý ba nguyên nhân chính gây ngập lụt triền miên cho thành phố nhiều năm qua, gồm lũ từ thượng nguồn đổ về, thủy triều dâng cao và lượng mưa tăng hàng năm.

Theo đề án chống ngập, một tuyến đê dài khoảng 164 ki lô mét sẽ được xây từ khu vực Bến Súc, huyện Củ Chi chạy dọc sông Sài Gòn đến huyện Đức Hoà, tỉnh Long An nhằm ngăn lũ từ thượng nguồn đổ về và thủy triều dâng lên, khống chế tình hình ngập cho phía hữu ngạn sông Sài Gòn trên tổng diện tích khoảng 1.900 ki lô mét vuông. Tuyến đê bao này có hướng trùng với đường vành đai 4 trong quy hoạch tổng thể của thành phố đến năm 2025 và cũng có chức năng phục vụ giao thông.

Ngoài ra, để điều tiết mực nước ở các con kênh trong nội thành, 12 cống ngăn triều lớn sẽ được xây dọc theo tuyến đê bao này. Toàn bộ kinh phí thực hiện dự án này khoảng 7.500 tỉ đồng và được thực hiện trong vòng ba năm. Nhiệm vụ chính của dự án là ngăn đỉnh triều cưòng để chống ngập, xây cống ngăn triều để điều tiết mực nưóc trên sông rạch, và giữ mức nước trong kênh rạch ổn định để phục vụ du lịch.

Tuy nhiên, ông Học cũng nhấn mạnh rằng không nên can thiệp vào khu vực Cần Giờ, vì đây là vùng sinh quyển. Thành phố cần quan tâm khu vực hữu ngạn sông Sài Gòn, dự kiến trong giai đoạn một xây dựng sáu tuyến cống để ngăn thủy triều chống ngập; trong giai đoạn hai, xây dựng toàn bộ các tuyến cống ngăn triều còn lại để kiểm soát triều, chống ngập do lũ từ thượng nguồn cho toàn khu vực, tạo động lực cho hệ thống thoát nước các kênh rạch và xoá ngập cho khu vực trung tâm.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Trịnh Công Vấn, thành viên Tổ công tác đề án chống ngập của TPHCM thì khuyết điểm của đề án này là có thể làm hạn chế vận tải đường thủy trên các tuyến giao thông thủy liên tỉnh; đặc biệt trên các tuyến rạch Cây Khô – Bà Lào và Cần Giuộc kết nối giữa TPHCM và Long An.

Tính khả thi của đề án

Phát biểu ý kiến về hai đề án trên, ông Phạm Minh Trí – đại biểu HĐND thành phố cho rằng, các đề án này đều rất tốt về mặt ý tưởng. Tuy nhiên trong quy hoạch, thiết kế đô thị khu vực trung tâm hiện hữu, cần hạn chế đến mức tối thiểu việc chỉnh trang vì có thể nếu chỉnh trang quá nhiều, chẳng những sẽ không cải tạo được bộ mặt đô thị của thành phố mà có thể bị nhếch nhác thêm.

Về đề án thủy lợi chống ngập, ông Trí cho rằng đây là quy hoạch chống ngập úng nhưng chưa thấy đề cập nhiều đến yếu tố định lượng lượng mưa biến động hàng năm, cần giải quyết một cách đồng bộ căn cứ trên tất cả các nguyên nhân gây ngập, không nên thiên quá nhiều vào yếu tố chống triều và lũ từ thượng nguồn mà xem nhẹ yếu tố mưa đang là nguy cơ thường xuyên gây ngập cho thành phố bao năm qua, cứ hễ có mưa là ngập.

Theo dự báo, TPHCM trong thời gian tới sẽ bắt đầu có mưa từ tháng 5 cho đến hết tháng 10 hàng năm và sẽ gây ngập nặng nhiều khu vực nếu có mưa khoảng 2 đến 3 giờ trở lên.

Ông Trí nhấn mạnh, nếu các đề án chống ngập đang được triển khai trên địa bàn thành phố bị thất bại, không giải quyết triệt để được tình trạng ngập lụt, thì liệu đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất có khả thi hay không khi tầm triển khai của đề án này là quá rộng, chưa quan tâm đến khu vực trung tâm.

Đừng để quy hoạch này phá vỡ quy hoạch kia

Đại biểu HĐND Nguyễn Thế Dũng thì cho rằng, đã đến lúc các ngành, các nhà khoa học cần ngồi lại với nhau để tìm tiếng nói chung, thống nhất khớp với nhau để sau này không còn hiện tượng quy hoạch này phá vỡ quy hoạch kia, các quy hoạch sẽ lại tiếp tục “chỏi” với nhau.

Thời gian gần đây, thành phố đã có nhiều quy hoạch nhưng dường như vẫn thiếu các quy hoạch về phòng chống thiên tai và quy hoạch kiến trúc mang đặc trưng riêng nào đó cho không gian đô thị của thành phố. Bao nhiêu năm qua, thành phố đã có hàng trăm thiết kế chỉnh trang đô thị, nhưng các nhà khoa học, các ngành có liên quan vẫn chưa biết chắt lọc hết những tinh hoa, những “cái được”, và khắc phục những “cái không được” mà thế hệ đi trước để lại.

Về đề án thuỷ lợi chống ngập của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang quy hoạch, đại biểu HĐND Trương Trọng Nghĩa cho rằng đề án chưa nêu được yếu tố thời gian cụ thể để triển khai đề án này. Ông Nghĩa đề nghị, trước khi trình Thủ tướng phê duyệt đề án thủy lợi chống ngập này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần lấy ý kiến phản biện từ nhiều nhà khoa học một cách thỏa đáng. Lưu ý thêm, quy hoạch thủy lợi cần kết hợp đồng bộ với các quy hoạch khác của thành phố, nếu không, nay mai sẽ có hiện tượng quy hoạch nọ “trói chân” quy hoạch kia.

Nhiều nhà khoa học đồng tình với ý kiến cho rằng, thành phố cần thành lập một cơ quan phát triển đô thị có nhiệm vụ kết nối các quy hoạch về kiến trúc, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch giao thông… lại với nhau.

Theo quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2001, thành phố cần cải tạo, nạo vét 300 ki lô mét kênh rạch thoát nước, cải tạo và xây mới 2.250 ki lô mét cống thoát nước cấp 2, cấp 3 và hơn 3.700 tuyến mương hở thoát nước. Ngoài ra, còn xây dựng hệ thống cống thu gom, trạm bơm chuyển tiếp và 9 nhà máy xử lý nước thải công suất từ 100.000 mét khối/ngày đến 500.000 mét khối/ngày. Tổng vốn đầu tư cho các hạng mục này ước tính khoảng 64.000 tỉ đồng (tương đương 4 tỉ đô la Mỹ).

Thực hiện quy hoạch tổng thể nói trên, Sở Giao thông Công chánh TPHCM cho biết, thành phố đang triển khai bốn dự án chống ngập và bảo vệ môi trường nưóc gồm dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hóa – Lò Gốm, Tàu Hủ – Bến Nghé và tiểu dự án rạch Hàng Bàng. Các dự án này đều sử dụng nguồn vốn ODA và vốn từ ngân sách thành phố; dự kiến, các dự án này sẽ được hoàn thành từ năm 2010 đến năm 2011. 

VĂN NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới