Thứ Bảy, 27/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nga phục hồi cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hôm 21-7, sau 10 ngày bảo trì, Nga đã vận hành trở lại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 kết nối Nga với Đức. Động thái này giúp các nước châu Âu thở phào nhẹ nhõm sau khi có nhiều nghi ngại về rủi ro Nga chặn dòng khí đốt ngay cả khi hết thời gian bảo trì.

Nga đã vận hành đường ống Nord Stream 1 trở lại nhưng chỉ ở mức 40% công suất. Ảnh: Bloomberg

Liên minh châu Âu (EU) lo ngại Nga có thể trì hoãn cung cấp khí đốt để trả đũa việc EU tung nhiều chính sách trừng phạt nhằm vào Moscow kể từ khi chiến sự ở Ukraine nổ ra.

Dữ liệu từ nhà điều hành đường ống Nord Stream 1 cho thấy các dòng khí đốt qua đường ống này đã lưu thông trở lại với 40% công suất. Giá khi đốt ở châu Âu ngay lập tức giảm sâu đến 6,5%.

Việc Nga xuất nối lại xuất khẩu khí đốt sang châu Âu sẽ giúp giải tỏa phần nào áp lực ở châu lục này trong cuộc chạy đua để tích trữ nhiên liệu trước mùa đông. Đồng thời, sự trở lại của khí đốt của Nga cũng giảm bớt các lo ngại về thiệt hại kinh tế nghiêm trọng đối với EU, vốn khiến đồng euro lao dốc về mức ngang giá với đô la Mỹ.

Tom Marzec-Manser, người đứng đầu bộ phận phân tích khí đốt tại Công ty ICIS ở London, cho biết: “Việc nối dòng chảy khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 vào sáng nay có thể mang lại cái thở phào nhẹ nhõm chung, không chỉ từ thị trường khí đốt châu Âu mà còn từ nền kinh tế rộng lớn hơn”.

Moscow đã hạn chế vận chuyển khí đốt đến châu Âu trong nhiều tháng, nhưng lục địa này vẫn dựa vào nguồn cung ít ỏi đó để lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt dự phòng cho mùa đông. Nếu không có khí đốt của Nga, châu Âu khó có đủ nguồn cung để sưởi ấm cho các ngôi nhà và giữ cho đèn điện sáng trong suốt mùa đông tới.

Các nhà hoạch định chính sách đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, với việc EU hôm 20-7 công bố kế hoạch giảm tiêu thụ khí đốt 15% trong khu vực. Cao ủy phụ trách ngân sách EU, Johannes Hahn thậm chí còn nói rằng ông không mong đợi đường ống Nord Stream 1 sẽ vận hành trở lại.

Giá khí đốt ở châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất 145 euro/MWh khi thị trường mở cửa vào sáng nay.

Tuy nhiên, “bất ổn về chính trị và mức cắt giảm 60% công suất của đường ống Nord Stream 1 từ giữa tháng 6 vẫn còn đó”, Klaus Mueller, người đứng đầu Cơ quan quản lý mạng lưới Đức (BNetzA), cho biết trên Twitter.

Hôm 20-7, Tổng thống Nga, Vladimir Putin cảnh báo rằng lưu lượng khí đốt cung cấp cho đường ống Nord Stream 1 có thể giảm xuống mức 20% ​​ngay trong tuần tới. Ông nói chỉ có hai tuốc-bin tại một trạm nén ở Nga, nơi cung cấp khí đốt vào đường ống này, đang hoạt động, và một trong số chúng cần được bảo trì trong tháng này. Theo Tổng thống Putin, dòng khí đốt qua đường ống này có thể giảm trừ khi Nga nhận lại một tuốc-bin đã được bảo trì xong từ Canada.

Nhật báo Kommersant của Nga dẫn các nguồn tin cho biết sau khi trì hoãn với lý do vướng lệnh trừng phạt Nga, Canada cuối cùng gửi tuốc-bin này sang Đức vào ngày 17-7 bằng máy bay.

Warren Patterson, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng ING (Hà Lan), cho biết: “Vẫn còn nhiều sự không chắc chắn về việc dòng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 sẽ ra sao trong những tuần và tháng tới. Vì vậy, thị trường sẽ vẫn phải định giá khí đốt ở mức cao để phòng ngừa rủi ro khá lớn”.

Tim Partridge, người đứng đầu bộ phận kinh doanh năng lượng tại Côg ty DB Group Europe, cho biết trong một báo cáo hôm 20-7: “Dòng khí đốt của Nga vẫn tiếp tục chảy qua châu Âu nhưng ở mức giới hạn và điều này sẽ có lợi cho Nga. Nó cho phép Điện Kremlin tiếp tục sử dụng đường ống Nord Stream 1 như một cách để gia tăng bất ổn ở châu Âu, trong khi vẫn thu được lợi nhuận khổng lồ do giá năng lượng tăng cao”.

Giá khí đốt của châu Âu đã tăng mạnh trong năm qua, lên mức kỷ lục ngay sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine. Dù giá đã giảm xuống kể từ đó, nhưng vẫn cao hơn vài lần so với mức trung bình trong 5 năm qua, làm tăng chi phí cho người tiêu dùng châu Âu, vốn đang phải đối mặt với mức giá cao hơn của mọi thứ, từ thực phẩm đến nhiên liệu.

Những lo ngại về tình trạng thiếu khí đốt đã lan sang mọi thị trường, làm suy yếu đồng euro. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, việc đóng cửa hoàn toàn nguồn cung khí đốt của Nga sẽ khiến Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đứng trước nguy cơ mất gần 5% sản lượng kinh tế.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới