Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phát triển nông nghiệp: cần giải pháp thiết thực hơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phát triển nông nghiệp: cần giải pháp thiết thực hơn

Người nông dân rất cần được hướng dẫn, hỗ trợ để “bơi” đúng hướng trong sản xuất – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Buổi tọa đàm do TBKTSG tổ chức tại Cần Thơ hồi đầu năm 2009 đã ghi nhận các ý kiến đóng góp về chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn – vấn đề luôn là “thời sự” ở ĐBSCL, nhất là khi năm 2008, hầu hết nông dân vùng này đều lao đao vì hạt lúa.

Phải hướng dẫn, hỗ trợ nông dân “bơi”

“Nông dân Việt Nam tự do nhất thế giới, muốn trồng gì thì trồng, muốn nuôi gì thì nuôi!”, Giáo sư Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học An Giang, nói vui một cách… chua xót. Ông muốn đề cập đến chuyện nông dân vẫn “tự bơi” vì sự hướng dẫn, hỗ trợ, đầu tư thiết thực cho họ vẫn quá ít ỏi.

Ngay cả chính sách bảo vệ nông dân trước những sản phẩm kém chất lượng như phân bón giả… cũng không hiệu quả. “Chỉ thỉnh thoảng kiểm tra và nếu phát hiện thì phạt 2 triệu đồng là xong. Quá nhẹ”, ông nói.

GS. Xuân dẫn chứng thêm, vừa qua các cơ quan chức năng khuyến cáo nông dân bỏ giống lúa IR 50404 – giống lúa mà họ cho là nguyên nhân khiến tiêu thụ khó khăn. “Nhưng giống lúa mới, nông dân chẳng biết tìm đâu cho đủ số lượng cần. Rồi còn chuyện tiêu thụ ở đâu, giá bao nhiêu? Phải chăng chúng ta đã bỏ quên nông dân, dù luôn nói rằng họ là số một?”, ông bức xúc.

Tiến sĩ di truyền học Trang Quan Sen, một cộng tác viên lâu năm của TBKTSG (hiện sống ở Đức), cũng nhận định chính sách nông nghiệp đối với Việt Nam là vấn đề quan trọng. Nhưng 20 năm qua đất nước phát triển chỉ tập trung ở thành thị, còn về nông thôn mới thấy hết cái nghèo, cái khổ của nông dân. Trong khi đó, khoảng 80% dân số vẫn là nông dân. Người trồng lúa hoặc cây gì đó, cứ lo năm sau có được mùa, được giá không.

“Vấn đề này, Nhà nước phải có trách nhiệm. Ở Tây Âu, nhà nước hỗ trợ nông dân rất nhiều. Họ luôn thông báo năm tới sẽ mua bao nhiêu nông sản của nông dân, giá tối thiểu bao nhiêu, số lượng thế nào”, ông Sen cho biết. Theo ông, Việt Nam nên có ngay chính sách điều phối nông sản và giá cả, khi thừa lúa thì mua, khi thiếu thì xuất kho cung cấp. Hiện chưa có chính sách nào về vấn đề này để nông dân an tâm sản xuất.

“Thu nhập của lao động nông nghiệp chỉ chiếm 35-36% trong giai đoạn từ 2001 đến nay. Lẽ ra, nếu quan tâm, Chính phủ phải có những thay đổi chính sách khi những con số này cứ kéo dài như vậy. 80% dân số là nông dân, nhưng chỉ chiếm một phần ba thu nhập toàn xã hội thì làm sao tăng sức mua”, Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, tiếp lời.

“Và nếu chính sách cứ “trói” như xuất khẩu gạo trong năm vừa qua thì doanh nghiệp và nông dân đều điêu đứng”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ), nói thêm.

Nhưng vì sao? Theo ông Võ Hùng Dũng, một phần chính là vì tư duy, nếp nghĩ. “Nhận thức về cơ cấu kinh tế rất sai. Chẳng hạn, giai đoạn 1991-2000, chúng ta cứ lo dịch chuyển từ công nghiệp sang nông nghiệp, huấn luyện thành bài học cho cán bộ cấp dưới. Do đó, cán bộ nhiều cấp “thấm nhuần”, cứ coi công nghiệp là quan trọng, công nghiệp mới giàu?”, ông dẫn chứng. Thậm chí, tỷ trọng công nghiệp cao được nhiều cấp, ngành xem là tiêu chí để xếp loại thi đua giữa các địa phương thì trách sao nhiều người ngó lơ với nông nghiệp.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An (Đại học Cần Thơ), cũng nhận định: “Chúng ta quá ưu tiên cho công nghiệp. Ở tầm vĩ mô, cần tính bao nhiêu nguồn lực cho công nghiệp, bao nhiêu cho nông nghiệp là vừa”.

Cần nhiều ở chính sách nông nghiệp

Ông Đệ cho biết, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL hiện đang thực hiện đề tài nghiên cứu về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Theo ông, để nông nghiệp phát triển, trước hết cần tổ chức lại sản xuất, trong đó có vấn đề giữ hay bỏ hạn điền. Bởi nếu bỏ hạn điền, lực lượng lao động dôi ra do không còn đất sẽ làm gì khi công nghiệp chưa phát triển tương xứng để giải quyết lao động. Tuy nhiên, nông dân cũng không thể ôm đất mãi và duy trì một lực lượng lao động lớn như vậy trong nông nghiệp.

Ngoài ra cũng cần hợp tác sản xuất theo dạng nhóm, tổ, hợp tác xã để dễ thực hiện. Đồng thời, cần giúp nông dân nâng cao năng lực sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế và tăng tính liên kết với doanh nghiệp. Lâu nay, có chủ trương, có hô hào nhưng vẫn mang tính hình thức trong thực hiện bởi mới có yếu tố “cần”, chưa có yếu tố “lợi”. Doanh nghiệp và nông dân cần nhau, nhưng chia sẻ lợi ích thì chưa thực hiện được. “Cuối cùng vẫn là vấn đề cơ chế chính sách. Cần phải có thay đổi cho phù hợp”, ông Đệ đề xuất.

Còn theo Tiến sĩ Ni, cũng phải tính việc phân phối lao động một cách hợp lý. “Nếu không khéo, sẽ có chuyện chúng ta dư thừa điện thoại di động mà thiếu gạo ăn”, ông nói.

“Ngoài đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh cho khu vực nông thôn, Nhà nước cũng cần quan tâm đến việc bổ sung kiến thức cho nông dân. Như hiện tại, một số nông dân ký hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp, nhưng khi có tranh chấp thì nông dân luôn bất lợi bởi thiếu hiểu biết về pháp luật”, Tiến sĩ  Dũng góp thêm. Ông cho rằng, nếu phát triển tốt nông nghiệp vẫn có thể làm giàu chứ không nhất thiết chỉ nhờ vào công nghiệp.

HỒ HÙNG

Tham dự bàn tròn có: GS.TS. Võ Tòng Xuân (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học An Giang), TS. Nguyễn Văn Đệ (Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển ĐBSCL thuộc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Đại học Cần Thơ), TS. Dương Văn Ni (Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An, Đại học Cần Thơ), TS. Nguyễn Thanh Phương (trưởng khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ), TS. Phan Trung Hiền (giảng viên khoa Luật, Đại học Cần Thơ), TS. Võ Hùng Dũng (Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ) và TS.  Trang Quan Sen (CHLB Đức).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới