Thứ Bảy, 27/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thanh toán số tăng mạnh nhưng vẫn còn nhiều thách thức

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy hoạt động thanh toán tăng mạnh trên nhiều kênh khác nhau. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để giảm tỷ trọng sử dụng tiền mặt của cộng đồng.

Ngày 19-11, tại hội thảo “Tiến tới quốc gia không tiền mặt” nằm trong khuôn khổ chương trình “Ngày không tiền mặt 2021” do báo Tuổi trẻ phối hợp Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức, đại diện các bên tham gia chia sẻ những thông tin về hiện trạng thanh toán không tiền mặt của nền kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN, cung cấp số liệu cho thấy tốc độ tăng trưởng thanh toán không tiền mặt qua nhiều kênh tăng vọt trong 9 tháng đầu năm nay. Cụ thể, thanh toán qua thiết bị di động tăng 90% về số lượng và 150% về giá trị, trong đó nhiều ngân hàng đạt trên 90% giá trị giao dịch trên kênh số. Tính từ tháng 3 đến nay, đã có thêm hơn 1,8 triệu tài khoản được mở bằng phương thức xác thực điện tử (eKYC).

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: SBV.

Ở góc độ nhà bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết Covid-19 khiến tỷ trọng thanh toán không tiền mặt khi mua hàng ở các siêu thị, cửa hàng của Saigon Co.op trong đợt qua tăng vọt, từ mức 4% lên mức 40%, thậm chí có thời điểm tăng lên 50%.

Đây là con số mục tiêu mà Saigon Co.op dự kiến mất 3-4 năm nữa mới đạt được. Tuy nhiên, ông Đức cho rằng con số này là không bền vững, trong khi các nhà bán lẻ cũng chưa có sự chuẩn bị để bắt kịp cơ hội. Thực tế khi Covid-19 đi qua thì tỷ lệ này nhanh chóng rớt về mức bình quân 10%. Do đó, ông Đức cho rằng thách thức để phát triển hoạt động thanh toán không tiền mặt vẫn còn đó.

Theo khảo sát của Saigon Co.op, có đến 28% người dùng đánh giá việc thanh toán không tiền mặt chưa thực sự tiện lợi trong khi các điểm chấp nhận thanh toán chưa nhiều, chưa đa dạng. Có 27% người tiêu dùng băn khoăn vì không an toàn, 14% băn khoăn vì lo ngại chi phí, còn 24% thì không thực hiện hoặc chưa nghĩ đến.

Ông Lưu Tuấn Nghĩa, Giám đốc phát triển kinh doanh, mảng chấp nhận thanh toán, Visa Việt Nam, cho biết khảo sát của Visa cho thấy số lần trung bình thanh toán bằng tiền mặt (trên thang 10) ở thời điểm trước Covid-19 là khoảng 6,8, thời điểm hiện tại là 5,4 và có thể trong tương lai là 5,3. Điều này nghĩa là xu hướng không dùng tiền mặt sẽ tiếp tục tăng lên.

Cũng theo khảo sát, có ít nhất 65% người tiêu dùng cho biết lượng tiền mặt trong ví của họ đã giảm. Thay vào đó họ sử dụng nhiều thẻ và các phương thức thanh toán không tiếp xúc hơn.

Theo ông Nghĩa, đã có những thói quen mới hình thành sau đại dịch và có những thói quen sẽ tiếp tục duy trì ngay cả khi đại dịch kết thúc, chẳng hạn như mua sắm trên các nền tảng trực tuyến, tránh thanh toán bằng tiền mặt và đeo khẩu trang.

Các chuyên gia cho rằng cần phải mở rộng kết nối hệ sinh thái, tạo sự an toàn, tiện lợi thì khách hàng mới sử dụng dịch vụ. Ảnh: SBV.

Phó thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho rằng trong thời gian qua điều quan trọng là thị trường hình thành thanh toán số trong hệ sinh thái, các dịch vụ ngân hàng số kết nối với các dịch vụ số khác trong nền kinh tế, mang lại trải nghiệm liền mạch trên mọi lĩnh vực cho người dùng.

Ông Dũng cũng cho rằng cần phải đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chuẩn kết nối theo hướng mở hơn, kết nối nhiều bên với nhau. Cụ thể là kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép ngành ngân hàng khai thác thông tin trên chip thẻ căn cước công dân, đặc biệt là các yếu tố sinh trắc học, từ đó tăng độ chính xác trong định danh, xác thực khách hàng.

Về hoạt động chuyển đổi số, ông Dũng cho biết có khoảng 95% tổ chức tín dụng đã có, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Hiện có khoảng 80 ngân hàng triển khai dịch vụ Internet Banking, 44 ngân hàng cung cấp dịch vụ Mobile Banking, 45 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, hơn 90.000 điểm thanh toán QR, gần 298.000 POS.

Đẩy mạnh hoàn thiện chính sách

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, theo Quyết định số 1813. Bên cạnh đó còn có nhiều đề án khác được đặt ra, bao gồm đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong thời gian qua, cũng có nhiều quy định mới liên quan đến hoạt động thanh toán như xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC), thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money),  ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật thanh toán (mã QR, thẻ chíp nội địa…).

Nguồn: NHNN

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, hoàn thiện hạ tầng thanh toán, để thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động ngân hàng.

Trước mắt sẽ tập trung về Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech Sandbox), triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2015, thí điểm Mobile Money.

Liên quan đến một nội dung quan trọng là công tác truyền thông, bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông, NHNN, cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức của công chúng về tài chính – ngân hàng, thanh toán không tiền mặt. Nội dung sẽ thay đổi theo hướng tập trung vào các vấn đề người dân quan tâm, hình thức phù hợp và sẽ đánh giá kết quả cụ thể.

“Nhóm công chúng mục tiêu mà chúng tôi hướng tới là giới trẻ, phụ nữ, người nghèo, người già, hưu trí, công nhân và người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những đối tượng yếu thế trong xã hội”, bà Sen cho biết.

Thống nhất chuẩn mã QRTháng 6 vừa qua, NAPAS cùng các ngân hàng thành viên đã thống nhất sử dụng tiêu chuẩn thanh toán sử dụng mã QR, tuân thủ theo EMV.Co và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về tiêu chuẩn cơ sở về mã QR. Đến nay, đã có 27 ngân hàng thành viên tham gia triển khai VIETQR áp dụng đối với các giao dịch chuyển tiền, thanh toán nhỏ lẻ, thanh toán xuyên biên giới được tích hợp trên nền tảng Mobile banking sẵn có của các ngân hàng.Hiện tại, khách hàng có nhiều lựa chọn sử dụng mã QR để thanh toán tại cửa hàng. Tuy nhiên, chuẩn mã QR theo các tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau và không có tính kết nối, dẫn đến việc đơn vị chấp nhận thanh toán phải đặt nhiều mã QR tại điểm bán. Trong 9 tháng tháng đầu năm, thanh toán qua Internet tăng tương ứng hơn 51% về số lượng và 29% về giá trị, kênh điện thoại di động tăng hơn 76% về số lượng và 88,3%, trong khi kênh QR code tăng 64% về số lượng và 128% về giá trị.

Ký MOU thúc đẩy thẻ tín dụng nội địaTrong khuôn khổ hội thảo, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cùng 13 ngân hàng, công ty tài chính ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) về việc triển khai thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa.Các ngân hàng và công ty tài chính tham gia bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Techcombank, HDBank, Sacombank, ACB, Nam A Bank, OCB, Viet Capital Bank, Viet Bank và công ty tài chính VietCredit.Theo đó, các bên thống nhất thúc đẩy phát triển thẻ tín dụng nội địa, thực hiện các mục tiêu trong đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ.Các hoạt động cụ thể được các ngân hàng, công ty tài chính triển khai gồm xây dựng các chương trình ưu đãi phát hành thẻ tín dụng nội địa, chính sách phê duyệt và cấp tín dụng linh hoạt, mở rộng đối tượng tiếp cận sản phẩm, mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán, đẩy mạnh hoạt động truyền thông phổ cập kiến thức nhằm tạo thói quen sử dụng thẻ thanh toán thường xuyên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới