Thứ Bảy, 27/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm cách thu hút vốn đầu tư nước ngoài thế hệ hai

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm cách thu hút vốn đầu tư nước ngoài thế hệ hai

Ngọc Lan

(TBKTSG Online) – Công ty  tài chính quốc tế IFC (thuộc World Bank) cho rằng những chính sách của Việt Nam nhằm tăng thu hút đầu tư, kể cả đầu tư trong những lĩnh vực công nghệ cao có thể coi là phù hợp với việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thế hệ một. Song cần phải có đánh giá kỹ hơn để thu hút FDI thế hệ hai.

Tìm cách thu hút vốn đầu tư nước ngoài thế hệ hai
Có nên thu hút đầu tư vào dệt may thâm dụng lao động bằng cách ưu đãi thuế? Ảnh chỉ có tính minh họa: Uyên Viễn.

Ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nói tại hội thảo chuyên đề ưu đãi đầu tư và giao dịch liên kết do Bộ kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Deloitte tổ chức hôm 10-7, rằng trong các hình thức ưu đãi đầu tư thì ưu đãi thuế được áp dụng khá phổ biến ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, quan điểm về hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế còn rất khác nhau. Chính sách ưu đãi thuế được đánh giá hiệu quả trong một số trường hợp nhưng cũng làm giảm nguồn thu ngân sách, gây khó khăn trong phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế và làm gia tăng tính phức tạp của hệ thống thuế.

Trong số các hình thức ưu đãi thuế, ưu đãi về thời gian miễn giảm thuế là hình thức được áp dụng phổ biến nhất, đặc biệt ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Trước đây, chính sách ưu đãi thuế ở Việt Nam có sự phân biệt đối xử đối giữa đầu tư trong nước với đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, sự phân biệt đối xử dần được loại bỏ.

“Song ưu đãu đầu tư không phải là điều kiện quan trọng nhất khi nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam”, ông Thành nói. Cụ thể việc áp dụng chính sách ưu đãi thuế cao đối với các dự án đầu tư vào địa bàn kém phát triển song địa bàn này vẫn khó thu hút đầu tư hoặc chính sách đầu tư đối với một số lĩnh vực như nông nghiệp, chế biến nông sản, thủy sản nhưng số dự án thu hút còn ít. Mặt khác, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam khá phức tạp do phạm vi ưu đãi còn dài trả (bao gồm cả ưu đãi theo lĩnh vực và ưu đãi theo địa bàn) nên chưa thực sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty ty kiểm toán Deloitte nói rằng việc ưu đãi thuế đang nghiêng về hướng địa bàn ưu đãi (thuận lợi, dễ dàng hơn) hơn là theo lĩnh vực. Việc áp dụng theo lĩnh vực còn khó khăn về thủ tục. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao chưa có cơ chế ưu đãi hợp lý. Bên cạnh đó, các mức chính sách thuế còn khá cứng nhắc. Nhiều trường hợp các nhà đầu tư không tận dụng được ưu đãi thuế nên giảm sức hút đầu tư. Thủ tục đầu tư cũng chưa thuận lợi. Doanh nghiệp FDI gặp khó khăn khi tiếp cận thông tin về dự án, hướng dẫn đăng ký dự án, thành lập doanh nghiệp… nên cần có những giải pháp khác nhau để thay đổi chính sách khuyến khích đầu tư.

Deloitte đề xuất gói giải pháp về ưu đãi thuế bằng cách xây dựng cơ chế ưu đãi linh hoạt và đa dạng hơn (kết hợp nhiều hình thức miễn giảm, khấu trừ chi phí…) như các quốc gia trong khu vực đang áp dụng. Về gói giải pháp thủ tục đầu tư phải tiếp tục thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN, hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục đầu tư với các ngành nghề có điều kiện hay xây dựng các kênh thông tin tiếp cận nhà đầu tư.

Còn phía IFC cho rằng ưu đãi đầu tư là một công cụ chính sách khá hạn chế và có thể chỉ có hiệu quả trong những điều kiện rất cụ thể. Không thể đạt được mọi mục tiêu phát triển thông qua chính sách ưu đãi này.

Vậy nên IFC khuyến nghị chuyển sang các công cụ chính sách dựa trên hiệu quả, đặc biệt là các công cụ khấu trừ thuế, trợ cấp thuế đầu tư hoặc khấu hao nhanh có liên hệ trực tiếp với mức đầu tư mà công ty thực hiện.

Việc quản lý những loại hình ưu đãi này tuy sẽ phức tạp hơn nhưng các chính sách này sẽ cho hiệu quả cao hơn và ít gây những méo mó trong xúc tiến đầu tư từ khối kinh tế tư nhân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới