Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ứng phó với bão Vamco: Cấm người dân ra đường từ trưa mai

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ứng phó với bão Vamco: Cấm người dân ra đường từ trưa mai

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) – Để tránh cơn thịnh nộ của bão Vamco, người dân thành phố Đà Nẵng được yêu cầu không ra khỏi nhà bắt đầu từ 12 giờ 00 phút ngày 14-11-2020 cho đến khi có thông báo mới.

Ứng phó với bão Vamco: Cấm người dân ra đường từ trưa mai
Người dân ra biển để lấy cát chèn chống nhà cửa, chuẩn bị đón bão. Ảnh: Nhân Tâm

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) nghỉ làm việc trong ngày 14-11 (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt). Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học ngày 14-11 và theo dõi diễn biến bão, lũ trong những ngày đến để quyết định việc cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố.

Đây là một trong những thông tin chính được đề cập trong Công điện sáng nay, 13-11, của UBND thành phố Đà Nẵng về việc ứng phó với cơn bão số 13 (có tên quốc tế là Vamco), sạt lở đất, lũ, lũ quét…

Cũng theo Công điện của UBND thành phố Đà Nẵng, UBND các quận, huyện triển khai ngay phương án sơ tán các hộ dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, nhà khu vực ven biển, các khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, đá, lũ quét, ngập lụt, nước biển dâng do bão… đến nơi an toàn, bắt đầu từ chiều 13-11 và chậm nhất đến 11 giờ ngày 14-11 phải hoàn thành.

Lãnh đạo thành phố cũng lưu ý các quận ven biển phải tính tới kịch bản nước biển dâng và sóng to ven biển do bão khi tổ chức công tác sơ tán người dân sống tại khu vực ven biển để đảm bảo an toàn. Dự kiến số lượng sơ tán dân gửi về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy trước 16 giờ ngày 13-11.

Các cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp đảm bảo an toàn cho những nơi tránh trú và có phương án đảm bảo hậu cần tại chỗ trong trường hợp người dân phải ở lại dài ngày bên cạnh tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng, hoàn thành trước 15 giờ ngày 13-11.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng chỉ đạo các Ban quản lý dự án thông báo cho các khu công nghiệp, các doanh nghiệp tại KCN thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tài sản, kho tàng, nhà xưởng trọng yếu, công trình và tính mạng công nhân khi mưa, bão xảy ra; kiểm tra, thực hiện chằng chống, rong tỉa cành, xử lý các cây xanh có nguy cơ ngã, đổ, gãy trong khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, hoàn thành trước 17 giờ ngày 13-11.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, để ứng phó với bão số 13, lũ quét, sạt lở đất các địa phương, tỉnh đã xây dựng kế hoạch di dời 19.671 hộ dân/65.890 khẩu đến nơi an toàn (tương đương với đợt bão số 9).
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức bắn pháo hiệu, kêu toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã vào neo đậu an toàn 2.062 chiếc/11.350 lao động phối hợp với các đơn vị, địa phương ven biển hướng dẫn tránh trú, neo đậu tại bến.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tỉnh cũng yêu cầu trong thời gian diễn ra bão, lũ lớn, yêu cầu người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà, đi lại trên đường, tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh cho đến khi bão tan…

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới