Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì không thể quy trách nhiệm cho ai

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vì không thể quy trách nhiệm cho ai

Ý Nhi

(TBKTSG) – Mục Sự kiện & Vấn đề về chất lượng văn bản pháp luật trên TBKTSG số ra ngày 29-8-2013, đã đưa ra khá nhiều ý kiến xác đáng và thuyết phục về nguyên nhân chất lượng văn bản luật pháp yếu kém và các giải pháp, nhất là về việc phải có cơ quan độc lập thẩm định nội dung chính sách và hình thức, thẩm quyền pháp luật; nâng cao năng lực cán bộ về chuyên môn pháp luật dự thảo…

Tuy nhiên, điều cần nhất trước mắt, là phải có những quy định về trách nhiệm của các cá nhân trong việc ra văn bản sai, từ đó họ mới có động lực nâng cao năng lực và chấm dứt tình trạng này. Cần nhớ rằng việc cơ quan quản lý nhà nước ban hành các văn bản sai luật, thiếu thực tế đã được cảnh báo ở Quốc hội từ lâu, nhưng thời gian gần đây ngày càng nhiều quy định, văn bản từ cấp bộ trở xuống liên tục bị phản ứng do vi phạm tính hợp pháp, hợp hiến, xâm phạm quyền và lợi ích của công dân và thậm chí là không đúng thẩm quyền, như: quy định về ghi họ tên cha mẹ trong giấy chứng minh nhân dân, quy định về số vòng hoa trong đám tang, không lắp ô cửa kính trên nắp quan tài, ngực lép không được đi xe máy… Vấn đề lớn nhất xuất phát từ việc quy trình làm luật đã không được tuân thủ một cách nghiêm túc.

Ngay từ kỳ họp Quốc hội tháng 5 vừa qua, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã đưa ra hàng loạt dẫn chứng cho thấy việc xây dựng văn bản pháp luật như “đi trên mây” là do các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không được chấp hành đúng. Việc tổng kết thực tiễn, đánh giá thực trạng, đánh giá tác động, lấy ý kiến người dân được thực hiện một cách hình thức, chiếu lệ. Bà cho rằng những yêu cầu nghiêm ngặt về đảm bảo tính hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đặc biệt là tính khả thi đã không được chấp hành nghiêm.

Ví dụ như việc lấy ý kiến người dân khi cộng điểm ưu tiên cho đối tượng bà mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học đã được thực hiện ra sao mà nhân dân phản ứng kịch liệt? “Nếu lấy ý kiến đối tượng chịu tác động, chắc chắn các bà mẹ Việt Nam anh hùng sẽ nói chúng tôi cần chế độ chính sách bảo vệ sức khỏe hơn là chế độ thi vào đại học vì chúng tôi không còn nhu cầu thi đại học”, bà Nga nhắc lại.

Hoặc về tính khả thi của văn bản pháp luật. Như văn bản của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt ban hành không đúng thẩm quyền vì đây là một công văn nội bộ nhưng lại điều chỉnh các quy định cao hơn ở tầm luật định như Luật Báo chí…

Nhiều chuyên gia pháp luật khác cũng có chung nhận định rằng hàng loạt văn bản trái pháp luật vẫn tiếp tục ra đời vì các khâu có trách nhiệm không làm hết trách nhiệm và việc xử lý quy trách nhiệm không nghiêm nên pháp luật bị xem thường. Người ta đặt câu hỏi vì sao quá trình làm ra văn bản chặt chẽ, kiểm soát được người, bộ phận soạn thảo văn bản qua các cấp nào mà khi xử lý sai phạm lại không thể quy trách nhiệm được cho bất cứ ai. Bà Lê Thị Nga từng nói rằng, ở cơ quan nào cũng có các chức danh được hưởng lương và phụ cấp để làm việc, kể cả việc ban hành văn bản, nhưng không ai phải chịu trách nhiệm và bị kiểm điểm mỗi khi ban hành văn bản sai. Vì vậy, tình trạng văn bản trái luật ra đời mỗi ngày một nhiều là vì thế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới