Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành dệt may tăng trưởng mạnh hơn trong 2 năm Covid-19

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong 2 năm Covid-19 là 2020 và 2021, ngành dệt may của Việt Nam mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn tăng trưởng mạnh. Thậm chí mức tăng trưởng còn cao hơn khi thời điểm chưa diễn ra đại dịch Covid-19.

Thông tin trên được Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết nhân dịp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm tập đoàn này vào ngày 8-2.

Một doanh nghiệp may tại Hà Nội. Ảnh minh họa: TTXVN

Năm 2021 là năm thử thách khắc nghiệt nhất đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid-19. Vinatex cho rằng dệt may là một trong những ngành sử dụng nhiều lao động nên tác động tiêu cực của dịch bệnh càng nặng nề hơn. Song ngành này vẫn nỗ lực vượt khó khăn để đạt kim ngạch xuất khẩu đạt trên 40,4 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng gần 15%, vượt mức tăng trưởng của năm 2019 (năm chưa xảy ra Covid-19) dù 19 tỉnh phía Nam gần như phải ngừng sản xuất trong suốt quí ba của năm 2021.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam đạt lợi nhuận năm 2021 ước trên 1.440 tỉ đồng (gấp 2,5 lần năm 2020), đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn gần 29% và vượt 90% kết quả của năm 2019 – là năm có kết quả hoạt động tốt nhất trước đại dịch. Tập đoàn đã duy trì việc làm cho hơn 150 nghìn lao động với thu nhập bình quân trên 8,2 triệu đồng/người/tháng. Ngay cả trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị 15 ở các tỉnh phía Nam, Tập đoàn này vẫn cố gắng duy trì lương tối thiểu vùng cho người lao động không thể đi làm, chăm lo tốt cho người lao động dịp Tết với mức thưởng Tết bình quân đạt trên 14 triệu đồng/người.

Ghi nhận những nỗ lực của Vinatex, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng trong bối cảnh đại dịch còn phức tạp, Tập đoàn này cần tổng kết, đúc rút những kinh nghiệm hay, bài học đắt giá từ thực tiễn hai năm vừa qua và không được ngủ quên trên chiến thắng. Phải tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ cả về thị trường và chuỗi giá trị sản phẩm, quản trị sản xuất, nhân sự và tài chính, đặt trọng tâm vào đổi mới sáng tạo trong mô hình quản lý, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tiên phong trong mô hình công nghệ mới, xây dựng mô hình doanh nghiệp sạch, sản xuất xanh và phát triển bền vững…

1 BÌNH LUẬN

  1. Dệt may trong thời gian đến phải vượt qua được 2 lời nguyền 1. Thu nhập thấp, 2. Lệ thuộc cao, thì mới có thể hi vọng trở thành ngành kinh tế trụ cột của đất nước. Trụ cột ở đây hiểu theo nghĩa là tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, nhưng không bị mang tiếng là “bóc lột” người lao động quá nhiều.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới