Thứ Sáu, 10/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc dựng ‘Vạn lý trường thành chống Covid’ ở biên giới phía nam

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Được ví như “Vạn lý trường thành chống Covid”, hàng trăm km hàng rào thép gai có lắp đặt đèn chiếu sáng và camera nằm dọc theo đường biên giới dài hơn 4.800 km ở phía nam đã được Trung Quốc xây dựng mới và gia cố trong hai năm qua. Người dân địa phương cho biết điều này gây khó khăn hơn cho các hoạt động giao thương qua biên giới và làm thay đổi cuộc sống của họ.

Omicron và Thế vận hội mùa đông 2022

Trung Quốc có thể trả giá đắt vì chiến lược “zero Covid”

Chuỗi cung ứng toàn cầu căng thẳng trước Tết do chiến lược zero Covid của Trung Quốc

Mối lo Omicron lùi dần, nhiều nước nới lỏng các hạn chế phòng dịch

Một đoạn hàng rào biên giới do Trung Quốc dựng lên ở thị trấn Uyển Đinh, TP. Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam, sát với biên giới với Myanmar. Ảnh: Twitter

Kiểm soát biên giới bằng hàng rào thép gai, có trang bị camera

Thành phố Thụy Lệ thuộc tỉnh Vân Nam, phía nam Trung Quốc, sát biên giới với Myanmar, đã chứng kiến một dự án xây dựng lớn trong hai năm qua. Đó là hàng rào biên giới được trang bị dây thép gai, camera giám sát và các thiết bị cảm ứng.

Xa hơn về phía đông, dọc theo biên giới của Trung Quốc với Việt Nam, một hàng rào cao khoảng 3,65 mét cũng được xây dựng vào năm ngoái. Mục đích của hàng rào này là ngăn chặn nguy cơ lây lan của Covid-19 bằng cách hạn chế sự xâm nhập trái phép của thương nhân, người lao động và những kẻ buôn lậu từ các nước láng giềng ở phía nam. Các cư dân mạng xã hội ở Trung Quốc gọi đó là “Vạn lý trường thành phía nam”, còn truyền thông nhà nước Trung Quốc ví nó như là “Vạn lý trường thành chống Covid”.

Trong khi nhiều nước khác đang tìm cách chuyển đổi sang sống chung với virus SARS-CoV-2, Trung Quốc kiên quyết duy trì chiến lược “zero-Covid”.

Chiến lược này cùng với việc triển khai “Vạn lý trường thành chống Covid” ở biên giới phía nam có thể khiến cuộc sống ở nơi đây thay đổi nghiêm trọng, với thương mại ngày càng trở nên cồng kềnh và việc kiểm soát di chuyển của người dân bị thắt chặt.

Trên thực tế, những nỗ lực chống Covid đã khóa chặt những giao lộ qua lại dễ dàng trước đây giữa thành phố Thụy Lệ của Trung Quốc và thị trấn Muse ở Myanmar.

Tiến sĩ Karin Dean, người giảng dạy tại Đại học Tallinn ở Estonia, chuyên nghiên cứu các vấn đề biên giới giữa Trung Quốc và Myanmar, cho biết động thái xây hàng rào chống Covid là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Trung Quốc nhằm kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn, thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng và ngăn chặn người tị nạn từ Myanmar tràn sang Trung Quốc.

Tại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, vùng giáp biên giới với Việt Nam, các lãnh đạo địa phương đã kêu gọi cán bộ “chạy đua với thời gian, dốc toàn lực, kiên quyết đánh thắng đại dịch và bảo vệ cánh cửa phía nam của Trung Quốc”.

Vân Nam, tỉnh giáp biên giới với Myanmar, Việt Nam và Lào, đã dành một khoản ngân sách trị giá nửa tỉ đô la vào năm ngoái để củng cố các hàng rào an ninh ở biên giới. Hồi tháng 1, chủ tịch của tỉnh này cho biết 100.000 quan chức, sĩ quan cảnh sát, binh lính và dân thường đã tham gia tuần tra biên giới.

Các hồ sơ công khai mà báo Wall Street Journal tiếp cận được cho thấy trong hai năm qua, Trung Quốc đã xây dựng hoặc củng cố ít nhất 458 km hàng rào biên giới của mình, hầu hết ở phía nam. Các số liệu thực tế có thể cao hơn vì không phải tất cả các chính quyền địa phương đều công bố các khoản chi tiêu xây dựng hàng rào biên giới. Tại một trung tâm sản xuất dây thép gai ở tỉnh Hà Bắc, một số nhà sản xuất ghi tên sản phẩm của họ trên hóa đơn là “dây thép gai ngăn chặn Covid ở biên giới”.

Một hệ thống hàng rào chắc chắn với các cột trụ, lưới thanh sắt và các cuộn dây thép gai cũng đã xuất hiện trên các đỉnh đồi ở Quảng Tây nằm dọc theo biên giới với tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam. Camera và đèn chiếu sáng được lắp đặt ở tuyến hàng rào này. Người dân địa phương cho biết các hoạt động buôn lậu chân gà, nội tạng heo và các thực phẩm đông lạnh khác qua các đường mòn lối mở ở khu vực biên giới này đã bị chặn đứng kể từ khi hàng rào này xuất hiện.

Giao thương qua biên giới phía nam trở nên khó khăn

Trung Quốc đã dựng hàng rào ở một số khu vực biên giới của mình từ rất lâu trước đại dịch Covid-19, không chỉ ở khu vực biên giới đông bắc sát với Triều Tiên mà còn ở Tân Cương, phía tây Trung Quốc và còn ở phía nam, nơi các hoạt động buôn lậu đang là vấn đề đau đầu cho giới chức trách. Nhưng mức độ mở rộng hàng rào dọc theo biên giới phía nam trong đại dịch hầu như không được chú ý nhiều.

Thậm chí tại ngôi làng nhỏ Xiaoguangnong, với vỏn vẹn 260 người sinh sống ở gần biên giới Myanmar, hàng rào chống Covid còn được trang bị hệ thống nhận dạng khuôn mặt để phân biệt người dân địa phương với người ngoài, theo truyền thông nhà nước.

Trong hai năm qua, một một số khu vực phía bắc Trung Quốc tiếp giáp với Mông Cổ và Nga cũng gia cố hệ thống hàng rào biên giới đã có sẵn.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết việc củng cố biên giới là một thông lệ quốc tế được chấp nhận rộng rãi và các hàng rào của Trung Quốc đang giúp ngăn chặn Covid-19 lây lan qua biên giới.

TP. Thụy Lệ ở miền nam Trung Quốc, một trung tâm buôn bán đồ trang sức, đã phải hứng chịu nhiều tổn thất trong cuộc chiến chống Covid-19. Bí thư thành ủy Thụy Lệ đã bị cắt hết mọi chức vụ vào tháng 4 năm ngoái vì xao nhãng nhiệm vụ, không ngăn chặn được các cơn bùng phát dịch bệnh.

Hồi tháng 10 năm ngoái, các quan chức ở Thụy Lệ cho biết kể từ tháng 7, có 716 người nhập cảnh từ nước láng giềng Myanmar, bao gồm cả người Trung Quốc có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Thành phố này trải qua nhiều đợt phong tỏa trước khi dỡ bỏ chúng vào năm ngoái. Trong chín tháng đầu năm 2021, nền kinh tế của Thụy Lệ giảm 8,4% so với một năm trước đó.

Chính quyền Thụy Lệ đã dành phần lớn thời gian trong hai năm qua để xây dựng hàng rào biên giới và một vùng đệm vững chắc.

Hiện nay, xe tải chở hàng từ Myanmar phải dừng lại ở biên giới Trung Quốc để khử trùng và lưu lại ở phía Myanmar trong 48 giờ. Sau đó, robot và cần cẩu sẽ chuyển hàng lên xe tải của Trung Quốc. Các tài xế Trung Quốc sẽ đưa hàng qua biên giới, nơi chúng được khử trùng một lần nữa và lưu lại trong 24 giờ trước khi được thông quan để phân phối vào Trung Quốc.

Theo truyền thông địa phương, chính quyền Thụy Lệ đã triển khai hàng ngàn cảnh sát và người dân làm nhiệm vụ canh gác biên giới 24 giờ mỗi ngày. Một nông dân ở độ tuổi 30 cho biết anh nằm trong số những người được giao nhiệm vụ trực đêm để canh chừng những người vượt biên trái phép, một công việc không được trả lương. Anh cho biết anh không thể bán cây trong vườn và các sản phẩm khác của mình vì rất nhiều người dân đã rời bỏ thành phố. Người nông dân này đã nhận được khoản trợ cấp Covid-19 tương đương 470 đô la vào năm ngoái. Nhưng vì mất nguồn thu nhập ổn định, anh đã phải đi đào củ khoai môn và luộc nó với rau để ăn.

Các hàng rào mới và các biện pháp kiểm soát khác dường như sẽ làm thay đổi vĩnh viễn các mối quan hệ giữa nhiều cộng đồng dọc theo biên giới phía nam Trung Quốc với các nước láng giềng. Sai Khin Maung, một lãnh đạo phòng thương mại ở thị trấn Muse (Myanmar), cho biết các hạn chế phòng dịch của Thụy Lệ đã cắt đứt các tuyến giao thương dễ dàng trước đây giữa thị trấn Muse với thành phố này.

Theo Sai Khin Maung, do mọi hoạt động xuất khẩu dưa hấu, xoài, ngô và các sản phẩm khác hiện nay đều phải qua các cửa khẩu chính ngạch, mất nhiều thời gian hơn, các nông sản này thường bị thối rữa.

Theo Wall Street Journal

1 BÌNH LUẬN

  1. cũng tốt ta chẳng nên giao thương kiểu “chui rúc” ,họ mang về VN thực phẩm bẩn ,hàng lậu ,hàng nhái ….ta chỉ tổ chảy máu tiền tệ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới