Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thách thức ‘bủa vây’ ngành chứng khoán!

Đăng Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Ngành chứng khoán trong ngắn hạn đang bị “bủa vây” bởi khá nhiều rủi ro và thách thức, cả ở khía cạnh vĩ mô lẫn vi mô.

Bất chấp những khó khăn hiện tại, triển vọng trong trung và dài hạn của ngành chứng khoán là rất lớn – Ảnh: LÊ VŨ

Quy mô tài sản và vốn tăng mạnh

Với bối cảnh sụt giảm cả về điểm số và thanh khoản của thị trường chứng khoán kể từ giữa quí 2 cho đến nay, tình hình kinh doanh của các công ty chứng khoán (CTCK) được đánh giá sẽ gặp nhiều thách thức trong nửa cuối năm nay.

Mới đây (ngày 28-9-2022), tại Hội thảo “Triển vọng tín dụng của ngành dịch vụ chứng khoán Việt Nam” do FiinRatings tổ chức, tổ chức này nhận định các CTCK tại Việt Nam đã tăng trưởng tích cực trong ba năm trở lại đây nhờ vào sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư cá nhân. Mặc dù vậy, ngành này cũng đang đối mặt với những rủi ro nhất định.

Cụ thể, theo FiinRatings, tại thời điểm 30-6-2022, quy mô tổng tài sản của 68 CTCK đang hoạt động đạt 383.000 tỉ đồng; quy mô tổng vốn chủ sở hữu đạt 178 .000 tỉ đồng. Tổng mức vốn chủ sở hữu này đã tăng 3,17 lần so với thời điểm cuối năm 2017 còn hệ số đòn bẩy (tổng tài sản/vốn chủ sở hữu) ở mức 2,2 lần vào giữa năm 2022.

Quy mô cho vay ký quỹ (margin) đã giảm đáng kể trong nửa đầu năm 2022, FiinRatings đánh giá mức độ đòn bẩy vẫn ở ngưỡng khá an toàn xét trên góc độ toàn bộ ngành cho dù nhiều công ty cụ thể có thể có mức độ đòn bẩy cao hơn.

Theo FiinRatings, hiện có năm rủi ro đối với ngành dịch vụ chứng khoán gồm: rủi ro thanh khoản; rủi ro từ danh mục tự doanh; rủi ro từ việc kiểm soát tín dụng; rủi ro lãi suất, tỷ giá và rủi ro chính sách.

Có được điều này là nhờ vào việc các CTCK hiện đã đa dạng hóa mô hình thu nhập bao gồm nhiều mảng như: tự doanh/đầu tư, môi giới, cho vay ký quỹ và tư vấn tài chính/phát hành.

Mặc dù vậy, hoạt động tự doanh của các CTCK hiện vẫn đóng góp tỷ trọng lớn (khoảng 44-50%) trong cơ cấu thu nhập hoặc lợi nhuận hoạt động của toàn ngành. Điều này cho thấy một số công ty có tỷ trọng thu nhập từ tự doanh lớn, ở mức độ thường xuyên trên 60% tổng thu nhập, sẽ chịu sự tác động lớn từ diễn biến suy giảm của VN-Index trong suốt thời gian qua.

Để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ nhà đầu tư, các CTCK đã tăng quy mô vốn chủ sở hữu cũng như vốn nợ qua cả vay tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế. FiinRatings đã thực hiện và công bố xếp hạng tín nhiệm hai CTCK là MBS (A-, với triển vọng ổn định) và gần đây là VCI (A-, với triển vọng ổn định).

Về triển vọng dài hạn, ngành dịch vụ chứng khoán tại Việt Nam được nhận định vẫn còn rất lớn nhờ vào tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư trên tổng dân số cũng như quy mô thị trường vốn được dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ.

Một số rủi ro đáng chú ý

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi nêu trên, hiện bối cảnh thị trường đang có nhiều yếu tố bất lợi, bao gồm diễn biến đi xuống của VN-Index, thanh khoản sụt giảm cũng như các chính sách kiểm soát nguồn vốn tín dụng cho hoạt động kinh doanh chứng khoán và các hoạt động liên quan (cho vay ký quỹ).

Theo đánh giá của FiinRatings, hiện có năm rủi ro đối với ngành dịch vụ chứng khoán gồm: rủi ro thanh khoản; rủi ro từ danh mục tự doanh; rủi ro từ việc kiểm soát tín dụng; rủi ro lãi suất, tỷ giá và rủi ro chính sách.

Thứ nhất, về rủi ro thanh khoản, hiện giá trị giao dịch bình quân ngày trên thị trường chỉ bằng khoảng 60% so với mức bình quân của năm 2021. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng thu nhập từ hoạt động môi giới của các CTCK cũng như rủi ro tín dụng danh mục cho vay ký quỹ. Tác động này có thể sẽ còn lớn hơn đối với các CTCK cho vay ký quỹ tập trung vào các cổ phiếu nhỏ hoặc có tính đầu cơ.

Thứ hai, về rủi ro từ danh mục tự doanh, với sự suy giảm về điểm số của VN-Index so với giai đoạn đầu năm 2022, các công ty có nguồn thu lớn từ danh mục tự doanh (trên 50% tổng nguồn thu) sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Thứ ba là rủi ro từ việc kiểm soát rủi ro tín dụng đến từ Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cung cấp hạn mức tín dụng cho các CTCK. Lý do là hiện phần lớn cơ cấu vốn nợ của các CTCK là vốn ngắn hạn. Nợ dài hạn bao gồm trái phiếu chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng cơ cấu nguồn vốn (bao gồm vốn vay và vốn chủ sở hữu). Theo đó, các biện pháp hạn chế dòng tiền vào kênh tài sản tài chính như hiện nay sẽ tạo áp lực không nhỏ lên thanh khoản của một số CTCK.

Thứ tư là rủi ro lãi suất và tỷ giá. Thời điểm hiện tại, lãi suất đầu vào đang gia tăng trong khi các CTCK thường được các ngân hàng cấp hạn mức tín dụng với lãi suất thả nổi. Diễn biến này sẽ khiến lợi nhuận từ hoạt động cho vay ký quỹ nói riêng và lợi nhuận cả năm 2022 của các CTCK biến động theo chiều hướng giảm.

Cuối cùng là rủi ro chính sách. Điển hình như Nghị định 65/2022/NĐ-CP mới có hiệu lực sẽ khiến một số CTCK vốn có nguồn thu đáng kể từ tư vấn phát hành trái phiếu, phân phối trái phiếu và kinh doanh kỳ hạn trái phiếu sẽ cần thời gian để hoạt động này tăng trưởng trở lại. Nguyên nhân một phần đến từ tiêu chuẩn phân phối trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư chuyên nghiệp giờ đã được quy định chặt chẽ hơn (giá trị danh mục đầu tư phải đạt số dư bình quân 2 tỉ đồng trong 180 ngày gần nhất).

Như vậy có thể thấy, ngành chứng khoán trong ngắn hạn đang bị “bủa vây” bởi khá nhiều rủi ro và thách thức, cả ở khía cạnh vĩ mô lẫn vi mô. Những trở ngại này sẽ khiến nhiều CTCK khó đạt được mục tiêu kế hoạch kinh doanh đặt ra từ đầu năm.

Bên cạnh đó, với đặc tính mang tính chu kỳ cao và phụ thuộc rất lớn vào diễn biến thị trường, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng thường là nhóm có biến động mạnh, đòi hỏi các nhà đầu tư phải hết sức nhanh nhạy và “nhảy” đúng “sóng” mới có thể tìm kiếm được lợi nhuận.

Mặc dù vậy, bất chấp những khó khăn nêu trên, triển vọng trong trung và dài hạn của ngành chứng khoán là rất lớn. Do vậy, cuộc chơi sẽ thuộc về những CTCK có tầm nhìn và chiến lược kinh doanh dài hơi và bài bản.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới